Chia sẻ những hiểu biết của em về bản giao hưởng số 9 của l.v. beethoven

Hay nhất

Beethoven tên đầy đủ là Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo. Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Cũng như lịch sử, nền văn hoá của nhân loại đã trải qua nhiều thời kỳ, trong đó có nền văn hoá phục hưng là thời kỳ hoàng kim nhất của nền văn hóa nhân loại.

Phải chăng thời gian đó hệ Mặt trời của chúng ta đi vào "quỹ đạo mùa xuân" trong giải Thiên Hà, nên đã tạo ra niềm cảm hứng lớn cho con người trong sáng tạo văn học, hội họa và điêu khắc, âm nhạc... Và đã đạt lên đỉnh cao nhất của nó, mà mãi đến ngày nay vẫn còn giá trị y nguyên của nó. Trong thời kỳ đó Beethoven cùng các nhà soạn nhạc thiên tài Bach, Mozart, Liszt, Chopin, Schubert... đã để lại cho nhân loại một khối lượng đồ sộ bao gồm nhiều thể loại âm nhạc.
Ludwig van Beethoven sinh ngày 16 (hoặc là ngày 17) tháng 12 năm 1770 tại làng nhỏ Rajna cạnh Bonn (Đức) trong một gia đình nghèo có truyền thống âm nhạc. Ông nội - Louis van Beethoven nhạc trưởng dàn nhạc cung đình Bonn. Bố - Johann van Beethoven lĩnh xướng cung đình Bonn, sau 3 năm kết hôn với Maria Magdalena Keverich sinh ra Beethoven. Gia đình Beethoven có 7 người anh em, nhưng cái nghèo và bệnh tật đã cướp đi 4 người em khi còn nhỏ tuổi.

Khi mới lên 8 tuổi Beethoven đã biểu hiện thần đồng về âm nhạc - chơi đàn piano. Năm 14 tuổi đã viết và biểu diễn thành công 3 bản sonata cho đàn piano. Năm 1787 (17 tuổi) tìm đến Vienn (Áo) - thủ đô âm nhạc của thế giới hồi bấy giờ để hy vọng học hỏi người thầy Mozart. Rủi thay, chưa được 3 tuần phải trở về Bonn chịu tang người mẹ hiền, ít nói, dịu dàng và rất mực thương con. Đau thương mất mát đó đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp sáng tác sau này của Beethoven. Mãi 1792 (22 tuổi) Beethoven một lần nữa từ giã nơi chôn rau cắt rốn của mình đến sống và làm việc ở Vienn, nhưng lúc này người thầy Mozart không còn nữa.

Như Goethe - nhà thơ Đức vĩ đại đã viết: "Cả cuộc đời Beethoven như một ngày trọn vẹn đầy dông tố". Ở tuổi 31, Giulietta Guiccicand đi cầu hôn với bá tước Gallenderg; Giulietta Guiccicand là người yêu đầu tiên, với mối tình đẹp và nồng cháy nhất của Beethoven. Chưa tròn tuổi 35 ở Vienn đã hơn 30 lần chuyển nhà vì túng thiếu. Thượng đế thật nghiệt ngã và tàn nhẫn với Beethoven, đôi tai - giác quan qúy nhất của người nhạc sỹ cũng bị lấy đi, năm 1819 bị điếc hoàn toàn cả hai tai. Năm 1823 bắt đầu bị mù mắt và bệnh thống phong, năm 1825 xơ gan cổ chướng, năm 1826 viêm phổi và phù toàn thân. Chính năm đó Beethoven phải chịu 4 lần mổ đầy đau đớn. Sau một thời gian dài bệnh nặng 6 giờ 45 phút ngày 26 tháng 3 năm 1827 trút hơi thở cuối cùng không một lời từ biệt. Ba ngày sau hàng chục nghìn bạn bè, đồng nghiệp, những người ngưỡng mộ âm nhạc... trong số đó có nhạc sỹ thiên tài Schubert và nữ nghệ sỹ lỗi lạc tài ba AnschỸTZ đưa tiễN Beethoven đến nghĩa trang Wahringer, Vienn. Mãi 61 năm sau (1888) hài cốt Beethoven mới được đưa về nơi trang trọng của nghĩa trang Zentral, Vienn với mộ chí giản đơn không, một dòng chữ nào, chỉ duy nhất một từ: "Beethoven".
Cuộc đời của Beethoven chẳng phải dài, 57 năm từ lúc sinh ra đến khi mất thiếu thốn về mọi mặt, thương tổn nặng nề về tinh thần và thể xác. Nhưng ở người nhạc sỹ thiên tài đó có nghị lực phi thường đã vượt lên tất cả để chiến thắng số phận cay đắng và nghiệt ngã của mình, đã cống hiến trọn đời mình cho nền âm nhạc thế giới. Những năm tháng cuối đời lúc điếc, mù, lúc quằn quại trong đớn đau vẫn soạn nhạc. Beethoven đã để lại một khối lượng sáng tác đồ sộ: 135 tác phẩm bao gồm các thể loại nhạc kịch (opera), nhạc múa (balett), 10 bản giao hưởng (symphony), nhạc thính phòng (camarazene), khúc cầu kinh (mise), song tấu (duo), tam tấu (trio), tứ tấu (kvartett), 15 bản sonata, tiền tấu, hát bè, phổ nhạc thơ...

Beethoven không chỉ là nhà nghệ sỹ tài ba piano, nhà soạn nhạc thiên tài, mà là người đầu tiên cảm nhận sâu sắc rằng: "Âm nhạc là tài sản văn hoá của nhân loại. Nó không phải là của riêng cho cung đình hay một nhóm người nào. Âm nhạc trước hết phục vụ quảng đại quần chúng".

Cũng như Vichtor Hugo viết tác phẩm "Những người khốn khổ", Beethoven viết bản giao hưởng số 3 "Anh hùng ca", tác phẩm số 55 (No. III Symphony Eroica (Esz-dúr) op. 55) là một trong những giao hưởng nổi tiếng nhất, âm điệu khi trầm hùng, khi réo rắt, khi tha thiết ngợi ca các chiến sỹ cách mạng, ngợi ca nền cộng hoà đầu tiên của nước Pháp. Đó là cú đấm nặng nề giáng vào mặt Napoleon Bonapart trong buổi lễ phong vua.

Hơn ai hết, Beethoven là người yêu thiên nhiên tha thiết, yêu những làng quê êm đẹp, yêu mùa xuân, yêu những cánh rừng sắp sửa sang thu... thích tha thẩn ở những cánh rừng để nghe tiếng sào xạc của lá rừng, ở đồng nội để nghe khúc nhạc của đồng quê: Bản giao hưởng số 6 đồng nội, tác phẩm số 68 (No. VI Symphony "pastorale" op. 68), bản sonata "Ánh trăng" tác phẩm số 27 (sonata quasi una Fantasy, op. 27), bản sonata "Mùa xuân" tác phẩm số 24 (sonata op. 24)...

Những âm điệu dịu dàng đã làm tan biến những ảo tưởng, đưa chúng ta về những phút giây êm đẹp và thanh bình của cuộc sống: Bản giao hưởng số 7, tác phẩm số 92 (No. VII Symphony (A-dúr) op. 92), Bản giao hưởng số 9, tác phẩm số 125 (No. IX Symphony (d-moll) op. 125), nhưng âm điệu hùng tráng, réo rắt, chốc lát đã khơi dậy trong lòng người nghe niềm cảm hứng, dạt dào tình yêu thương, lòng khoan dung, niềm khát khao hy vọng... Đó là những âm điệu vẽ ra một tương lai sung sướng và hạnh phúc tràn trề đang vội vã đến với người nghe.

Tháng năm cứ trôi đi, nhưng những bản nhạc của Beethoven chẳng bao giờ ngừng phát, có những lúc hàng trăm đài phát thanh, truyền hình cùng phát những bản nhạc của Beethoven, chưa kể đến hàng trăm triệu băng nhạc của Beethoven có hầu khắp mọi gia đình châu Âu và Bắc Mỹ. Thật là một cống hiến vô giá cho nhân loại.

Khi nào con người còn vươn tới cái đẹp, cái thiện, tự do, hạnh phúc, tìm nguồn nghị lực, vinh quang ... thì lúc đó còn cần đến nhạc của Beethoven. Dù hôm nay âm nhạc có thêm nhiều thể loại mới, nhưng những bản giao hưởng, những bản sonata ... của Beethoven vẫn luôn đứng ở vị trí cao nhất trong nền âm nhạc thế giới. Nhạc của Beethoven sẽ mãi mãi nằm trong hành trang của nhân loại, đi dọc chiều dài lịch sử.

Chia sẻ những hiểu biết của em về bản giao hưởng số 9 của l.v. beethoven

Với nhiều người, số chín là con số đem lại may mắn. Một số nhạc sĩ lại tin rằng các nhà soạn nhạc sẽ tạ thế sau khi viết xong bản giao hưởng thứ chín. Con số chín này coi bộ không hên như dân cờ bạc có thể nghĩ!

Gustav Mahler thuộc vào thành phần mê tín ấy. Nếu xét lại thì có lẽ cũng không sai với một số trường hợp như Franz Schubert, Antonin Dvorák hay chính Gustav Mahler, và nhất là Ludvig van Beethoven. Thật ra, không thiếu gì nhà soạn nhạc lừng danh đã viết cả chục hoặc cả trăm tác phẩm giao hưởng chứ không vì soạn xong bản thứ chín là bỗng dưng mãn phần!

Nhưng trong ngần ấy nhạc sĩ, Beethoven vẫn là đỉnh cao nhất với bản Giao hưởng số Chín.

Ðây là tác phẩm mà Arturo Toscanini cho là mình phải quỳ một gối khi trình tấu. Toscanini không thuộc loại nhạc trưởng tầm thường, trăm năm mới có được một vài người, mà thán phục như vậy thì chúng ta có thể đoán là viết xong một tác phẩm như vậy, Beethoven có quyền yên nghỉ ngàn thu. Trước đấy, nhạc phụ của Toscanini là Richard Wagner cũng không nghĩ khác. Lúc sinh thời, ngày khai trương một thính đường vinh danh mình vào năm 1872, Wagner không lấy các vở operas khét tiếng của ông mà lại trình bày bản Giao hưởng số Chín của Beethoven.

Tác phẩm vĩ đại, dài hơn một giờ trình tấu, là một hiện tượng âm nhạc của nhân loại.

Có để ý đôi chút đến nhạc cổ điển Tây phương, chúng ta biết là Beethoven soạn bản giao hưởng cuối cùng này khi đã hoàn toàn điếc, ba năm trước khi ông tạ thế. Tò mò tìm hiểu thêm thì ta biết thêm là nhiều trường nhạc có nguyên lớp giảng dành cho bản Giao hưởng. Có giáo sư âm nhạc đã thành học giả về tác phẩm được gọi tên chính thức là bản “Giao hưởng số Chín, Cung Ré thứ, trong danh mục Opus 125.” Nhiều nhà phê bình âm nhạc còn viết riêng một cuốn sách về tác phẩm kỳ diệu này.

Năm 1969, khi lần đầu con người đặt chân lên Nguyệt Cầu thì phi vụ Apollo 11 để lại một đĩa nhỏ ở một khu vực gọi là “biển bình yên” của cung trăng. Bên trong là lời chào mừng của lãnh đạo Hoa Kỳ và hơn bảy chục quốc gia khác. Vượt lên tất cả, thông điệp hòa bình và thân ái mà loài người gửi tới vũ trụ vào dịp đó chính là bản Giao hưởng số Chín. Âm nhạc là ngôn ngữ trừu tượng nhất nên may ra con người của các hành tinh khác cũng có thể hiểu được tâm tư của chúng ta. Nhưng tâm tư ấy là gì? Hãy cùng suy nghiệm lại xem...

Beethoven hoàn tất nhạc khúc này vào năm 1824, sau nhiều năm thai nghén, suy tư và chuẩn bị. Khi ấy, ông đã đi tới cùng cực của tuyệt vọng.

Ông viết bản Giao hưởng số Ba, “Eroica”, để tặng Ðại Tướng Bonaparte, rồi thất vọng khi vị anh hùng trở thành Ðại Ðế Napoléon, và là hung thần của chiến tranh. Sau một giai đoạn chinh chiến tràn lan, Âu Châu của Beethoven đã được bình định từ năm 1820, nhưng là sự bình định của các nền quân chủ chuyên chế độc tài. Kỳ vọng giải phóng mà con người ta đặt vào cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 đã tan tành. Y như lý tưởng độc lập năm 1945 của người Việt lại hiện nguyên hình là cơn ác mộng 1975 vậy!

Ðôi tai hoàn toàn điếc, nhưng cái tâm vẫn sôi sục những phẫn nộ về nhân thế, Beethoven muốn để lại cho hậu thế lời nhắn gửi bằng nhạc. Có lẽ nỗi chán chường và tuyệt vọng về thế giới vây quanh mới giải thích phần mở đầu của bản Giao hưởng, một hành âm chát chúa sự hoảng loạn, sự hỗn độn.

Thế rồi trong cõi âm u đen tối ấy bỗng lóe sáng tia hy vọng... Hy vọng vào ước nguyện tự do, vào lòng bác ái. Bản Giao hưởng dẫn người nghe vào con đường giải phóng và kết thúc bằng lời hoan ca thái hòa. Chúng ta nói đến “hoan ca” không chỉ vì lời của Schiller trong bài thơ sau này người ta gọi là “Ode to Joy” mà còn vì những tiếng hát trong tác phẩm.

Beethoven là người đầu tiên đưa tiếng hát vào một bài Giao hưởng. Nhạc cụ thần thánh nhất của con người là tiếng hát đã được huy động trong hành âm cuối để tấu lên nguyện ước thanh bình.

Gần hai trăm năm trước mà thiên hạ được nhìn và được nghe một dàn nhạc với bốn giọng đơn ca và một dàn hợp xướng thì quả là một cuộc cách mạng, một điều vĩ đại. Khán giả được nghe thấy và lập tức thán phục, chứ tác giả thì không nghe thấy gì cả. Ông chỉ có thể cảm thấy bằng cái tâm của mình.

Nhân loại về sau cũng cảm thấy như vậy và đã cả trăm người nghiên cứu, viết lại, viết thêm cho nhiều nhạc cụ hơn, rồi trình diễn khắp nơi. Vì vậy mà bản Giao hưởng mới trở thành thông điệp của loài người gửi vào vũ trụ. Những nhạc sĩ nổi tiếng nhất đã chịu ảnh hưởng của tác phầm này là Mahler, Wagner, Brahms, Dvorák...

Sau này, hai chục năm về trước, bản Giao hưởng đã là bài ngợi ca giải phóng khi bức tường Bá Linh bị đập tan tành vào năm 1989. Rồi bản Giao hưởng trở thành nhạc thiều của Âu Châu. Trong nhiều sinh hoạt quốc tế, người ta long trọng tấu lên, hát lên giai điệu của Beethoven để khẳng định tinh thần bác ái và hiếu hòa của nhân loại.

Ít tác phẩm nào mà lại có khả năng đoàn kết và hợp quần như vậy.

Vậy mà tác phẩm quá phổ biến này vẫn giữ nguyên phần bí mật gần như thiêng liêng của nó. Vì sao mà sau bản hòa âm điền dã, bài Giao hưởng số Sáu gọi là Pastorale đầy chất thanh bình thánh thiện, hoặc vì sao mà sau bản Giao hưởng số Bảy rất nhẹ nhàng, lãng đãng, Ludvig van Beethoven lại soạn ra một tác phẩm nặng nề như bản Giao hưởng số Chín?

Phải chăng, cấu trúc công phu và những gửi gấm cầu kỳ bằng nhạc có thể diễn tả cả một tiến trình cứu rỗi của con người? Hay là, như nhiều tác giả đời sau đã viết, Beethoven muốn giải phóng nghệ thuật ra khỏi những thúc ép của chính trị, tôn giáo và đưa loài người đến một chỗ tốt đẹp hơn?...

Các nhà nghiên cứu về nhạc sử và cả lịch sử của bản Giao hưởng số Chín có ghi lại nỗi thôi thúc của Beethoven vào lúc cuối đời. Ông muốn trút hơi thở cuối cùng của mình vào nhạc. Hơi thở ấy là một khúc cuồng ca dữ dội, rồi lắng dịu thành lời ngợi ca thanh bình. Sau đó, Beethoven ra đi. Sau đó, như nhiều người đã viết, với mái tóc trí tuệ như của nhà bác học Einstein và nét mặt hùng tráng của một hoàng đế, Beethoven bước lên cõi thiêng liêng rất gần với Thượng Ðế.

Chúng ta thử nghe lại bản Giao hưởng này trong niềm tâm cảm đó xem, may ra thì mình thấy được sức cảm hóa phi thường của âm nhạc.

Nghe nhạc tại đây

www.timhieuamnhac.net - Quỳnh Giao