Charlie tôn quý là ai

Tỷ phú Charlie Tôn Quý (bên trái) cùng triệu phú Vương Phạm (bên phải) (Ảnh chụp màn hình video kênh Youtube Vuong Pham)

Xuất hiện trong những video gần đây của triệu phú Vương Phạm, Charlie Tôn Quý - Chủ sở hữu công ty Alfalfa Nails Supply và chuỗi nhượng quyền Regal Nails nổi tiếng tại Mỹ đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm và chú ý  từ cộng đồng mạng.

Charlie Tôn Quý tên Việt Nam là Tôn Thất Khương Quý, anh sinh ngày 22/6/1970 tại Quy Nhơn, Việt Nam. Anh là con trai thứ 2 trong một gia đình có 4 anh em trai. Cha anh là một quân nhân, còn mẹ làm nghề buôn bán tự do.

Hành trình mưu sinh trên đất Mỹ

Năm 1984, khi đó Charlie Tôn Quý 14 tuổi, sau khi học xong lớp 8, anh quyết định vượt biên sang Mỹ định cư. Trước khi đến được Mỹ, anh đã sống tị nạn hơn 9 tháng trên hòn đảo Palawan của Philippines. Sau khi tới Mỹ, anh đến bang New Orleans để sống cùng anh trai và một số họ hàng khác, rồi tiếp tục chương trình học trung học tại trường West Jefferson, New Orlean, Louisiana.

Ở đây, anh bắt đầu sống cuộc sống nơi xa xứ nhọc nhằn. Ngoài thời gian học tại trường, anh phải chạy vạy làm thêm đủ các công việc tay chân để trang trải cho cuộc sống.

"Cuộc sống bên này quá cực, mình vừa qua tới nơi đã phải đi lặt đầu tôm rồi. Rồi làm ở chợ Swatman, chợ cà phê của người Việt để kiếm sống. Từ nhỏ mẹ mình đã huấn luyện mình sáng học chiều học, nên dù có cực khổ đến đâu, mình vẫn cố học xong trung học rồi lên đại học" - Charlie Tôn Quý kể lại khoảng thời gian vừa sang Mỹ của mình.

Đến năm 18 tuổi, Charlie Tôn Quý muốn đăng ký chuyên ngành không gian vũ trụ ở đại học Louisiana, nhưng vì trường không có khoa này nên đành phải chuyển sang ngành hóa học. Có lẽ, anh không thể ngờ được rằng, sự lựa chọn này chính là cơ sở quan trọng để anh trở thành một tỷ phú trong tương lai.

Năm 1995, Charlie Tôn Quý tốt nghiệp kỹ sư ngành hóa học. Nhưng do năm đó nước Mỹ đang gặp khó khăn, sinh viên mới ra trường như anh không thể kiếm được việc làm.

Bắt đầu khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Tháng 11/1995, Charlie Tôn Quý đang trong thời gian thất nghiệp, thấy vợ có một tiệm nail và bản thân cũng có sẵn chút kiến thức hóa học đã được học tại trường, nên anh đã nảy ra ý tưởng là mở một công ty cung cấp hóa chất và trang thiết bị phục vụ cho các tiệm nail khác quanh khu vực. 

Vốn không có sẵn, anh phải chạy vạy nhiều nơi mới vay được 70.000 USD để khởi nghiệp. Với số vốn ít ỏi đó, anh bước đầu thành công mở công ty.

Anh đặt tên công ty là Alfalfa Nails Supply, bắt đầu bán sản phẩm cho các salon nail xung quanh, rồi sau đó phát triển mạnh và trở thành nguồn cung cấp cho các cửa hàng nail khắp nơi trên nước Mỹ.

Xưởng sản xuất hóa chất và trang thiết bị phục vụ cho các tiệm nail. (Ảnh chụp màn hình video kênh Youtube Vuong Pham)

Xây dựng ‘đế chế nail’ tại xứ sở cờ hoa

Trong một lần Charlie Tôn Quý đi mua sắm tại một siêu thị Walmart. Anh rất ngạc nhiên vì một siêu thị lớn như vậy mà không hề có tiệm làm móng nào. Anh liền nảy ra ý tưởng về việc mở một tiệm nail có tên Regal Nail.

Nghĩ là làm, anh lập tức liên hệ với quản lý siêu thị để xin phép mở tiệm nail tại đây, nhưng ngay lập tức bị từ chối thẳng thừng, vì họ không nghĩ là mô hình này có thể thành công. 

Charlie Tôn Quý lúc đó đã phát triển được hệ thống giải quyết việc mua lại địa điểm, thiết kế, nội thất và lắp đặt mọi thứ cần thiết để điều hành một chuỗi nhượng quyền. Anh cũng đảm nhận toàn bộ trách nhiệm quản lý, phát triển, tăng trưởng, lên kế hoạch và kiểm soát chất lượng.

Vì vậy, anh không nản lòng khi bị Walmart từ chối, anh tiếp tục kiên trì thuyết phục các lãnh đạo của Walmart suốt 2 năm sau đó.

Đến năm 1997, vận may của anh cuối cùng cũng tới, có một cửa tiệm rút khỏi siêu thị. Để lấp và chỗ trống đó, ban quản lý siêu thị đã cho phép anh mở một tiệm nail nhỏ tại đây. 

Vào ngày 29/10/1997, của hàng Regal Nails đầu tiên của Charlie Tôn Quý được khai trương, và sau đó nó nhanh chóng chứng minh được sự thành công của mình. Thấy việc kinh doanh của tiệm nail khả quan, Walmart đã tiếp tục đồng ý để anh mở thêm nhiều chi nhánh khác trong hệ thống siêu thị Walmart của họ.

Với sự thành công liên tiếp của các cửa hàng, đến thời điểm hiện tại, thương hiệu Regal Nails của anh đã có hơn 800 tiệm nails trải rộng khắp nước Mỹ, Canada, Mexico và các nước châu Âu. Anh cũng sở hữu thương hiệu Nails supply Alfalfa tại tiểu bang Louisiana với hơn 9 buildings, sản xuất và cung cấp hơn 5000 mặt hàng cho các tiệm nails khắp nơi trên đất Mỹ.

Thương hiệu Regal Nails của ông đã có hơn 800 tiệm nails trải rộng khắp nước Mỹ, Canada, Mexico và các nước châu Âu. (Ảnh tổng hợp)

Không chỉ dừng lại ở việc hợp tác với Walmart. Charlie Tôn Quý còn bán nhượng quyền cho những người bạn đồng hương Việt Nam trên đất Mỹ. Chỉ trong vòng 10 năm, số cửa hàng nhượng quyền của anh đã lên tới con số gần 1.200 tiệm ở khắp nơi nước Mỹ.

“Ngành kỹ nghệ nail ở Mỹ trị giá gần 10 tỷ USD hằng năm, có khoảng 65.000 tiệm nail do người Việt quản lý. Với số lượng cửa hàng hiện nay, chúng tôi đang chiếm 1,5% thị phần” - anh Tôn Quý cho biết.

Từ một người dân nhập cư với hai bàn tay trắng, Charlie Tôn Quý đã xây dựng Regal Nails trở thành một đế chế nail lớn nhất tại Mỹ.

Tạo hàng nghìn việc làm cho người Việt xa xứ

Chưa dừng lại ở đó, Charlie Tôn Quý đang hướng tới mục tiêu nâng số tiệm làm nail và làm đẹp của mình lên con số 2.000 và tạo công ăn việc làm cho những người Việt tại Mỹ. 

Để chuẩn bị cho điều này, anh đang theo học một lớp về làm mi và lông mày để hiểu rõ về kỹ thuật và sản phẩm rồi mới bắt tay vào đào tạo thợ và mở tiệm.

Charlie Tôn Quý rất chú trọng đào tạo tay nghề của thợ, nhất là đối với thợ người Việt, để giúp họ có thu nhập cao hơn. Anh chia sẻ: “Ngành làm đẹp vẫn thiếu nhiều thợ, tôi muốn tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa cho người Việt. Cần phải làm nhanh trước khi luật pháp có những thay đổi”.

Những lao động phổ thông người Việt có thể có thu nhập chỉ sau vài tuần học việc, chính vì thế khi sang định cư tại Mỹ nhiều người Việt đã chọn nghề nail để mưu sinh.

Charlie Tôn Quý, từ một người nhập cư với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ sự cố gắng và niềm đam mê học hỏi, anh đã tìm được con đường để đi đến thành công, trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Đồng thời, anh cũng góp sức to lớn trong việc tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn đồng hương  của mình tại Mỹ.

Qua đó để thấy rằng, thành công đến từ tri thức và nghị lực. Dù ở đâu cũng đều cần cố gắng và nỗ lực, “Giấc mơ Mỹ” cũng sẽ chỉ đúng với những người ham học và ham làm mà thôi.

Đông Phong

(t/h)

Xem thêm:

Bạn bình luận gì về tin này?

Chuyên mục: Đời sống Chân dung và Sự kiện

Làm ngành tài chính, công nghệ, thậm chí là chăm sóc móng tay… nhưng họ đều ghi dấu ấn đậm nét về kinh doanh trên đất Mỹ.

Đoàn Trí Trung – “Ngôi sao đang lên” của chip LED

Được mệnh danh là “ngôi sao đang lên” của lĩnh vực chip LED (chíp điot bán dẫn trong công nghệ thông tin), kỹ sư gốc Việt Đoàn Trí Trung là một trong những người sáng lập công ty Semiled (bang Idaho, Mỹ).

Ông cũng là chủ hoặc đồng chủ sở hữu 250 bằng sáng chế có giá trị trong lĩnh vực kỹ thuật điện tử tại Mỹ.

Công ty chuyên về thiết bị bán dẫn của ông Trung đã phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) năm 2010 và được dự báo sẽ dẫn đầu thị trường chip LED.

Công ty của doanh nhân này, ngoài trụ sở ở Mỹ, còn có thêm 2 nhà máy tại Trung Quốc và Đài Loan.

Charlie Tôn Quý – “Vua” nails tại Mỹ

Doanh thu mỗi năm của toàn hệ thống Regal Nails lên tới 450 triệu USD nếu tính trung bình mỗi tháng là 34.000 USD/tiệm. Ông chủ của chuỗi tiệm chăm sóc móng “hái ra tiền” tại Mỹ nói trên là Charlie Tôn Quý – một nhân vật với mái tóc dài bồng bềnh như nghệ sĩ, đã từng xuất hiện trên trang web cá nhân của chuyên gia Alan Phan.

Doanh nhân gốc Việt nổi danh trên đất Mỹ

Charlie Tôn Quý cũng là người đàm phán được với “người khổng lồ” WalMart của Mỹ để được đặt tiệm nails của mình trong siêu thị, sau 2 năm thuyết phục tập đoàn này. Hơn 1.100 tiệm nails trải dài trên đất Mỹ của doanh nhân này là một con số không nhỏ và với mức doanh thu lên tới nửa tỷ USD mỗi năm chỉ với công việc chăm sóc, sơn sửa móng tay, móng chân.

Ông Alan Phan – một trong những chuyên gia với phát ngôn gây chú ý của dư luận đánh giá, nếu Regal Nails niêm yết trên sàn chứng khoán, thì cổ phiếu của hãng này sẽ là một trong những bluechip “hot” nhất vì con số doanh thu ấn tượng cũng như yếu tố an toàn là không có nợ.

Bill Nguyễn – Người có duyên bán hàng cho Apple

Khởi nghiệp từ nghề phụ bán xe hơi cũ tại Mỹ, Bill Nguyễn – doanh nhân được Forbes vinh danh là một trong 40 người dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ và tập đoàn truyền thông MSNBC bầu chọn “có khả năng thay đổi bộ mặt công nghệ thông tin toàn cầu” – đã thành lập liên tiếp 7 công ty tính đến thời điểm hiện tại.

Năm 1999, với thương vụ bán lại công ty Onebook giá 850 triệu USD, Bill Nguyễn là cái tên được chú ý. Ông cũng là chủ nhân của một ứng dụng trực tuyến mang tên Lala.com được Apple mua lại với giá hơn 80 triệu USD vào năm 2009, sau đó Apple tích hợp ứng dụng này vào iTunes cho sản phẩm của mình.

Năm ngoái, Apple cũng đã chi ra vài chục triệu USD để mua lại ứng dụng chia sẻ hình ảnh do Bill Nguyễn phát triển. Hiện tại, doanh nhân này đang phát triển công ty Seven Networks chuyên cung cấp dịch vụ ứng dụng và nội dung cho nhà mạng.

Ông chủ khách sạn Trần Đình Trường

Khối tài sản trên 1 tỷ USD khiến cho Trần Đình Trường – ông chủ nhiều khách sạn tại New York (Mỹ) được biết đến như là một trong những doanh nhân gốc Việt giàu có nhất. Ông Trường sinh năm 1932 quê ở Hà Tĩnh, là ông chủ hãng vận tải đường biển Vishipco trong những năm trước 1975 tại TP.HCM. Từ năm 1975, ông sang Mỹ và kinh doanh khách sạn tại New York, Manhattan.

Năm 1984, ông bỏ tiền mua 2 máy bay trực thăng khoảng 3,2 triệu USD cho các tổ chức cứu trợ nạn đói tại Ethiopea. Đây cũng là doanh nhân đã tài trợ 2 triệu USD khi Mỹ gặp sự kiện khủng bố hôm 11/9/2001 sau đó được Liên hiệp người Mỹ gốc Á vinh danh năm 2003 vì hành động này.

Trần Đình Trường đã từ trần vào tháng 5/2012 tại Mỹ, song gia đình ông vẫn đang phát triển sự nghiệp do doanh nhân này gây dựng với việc kinh doanh, cho thuê khách sạn tại Mỹ.

Triệu Như Phát: Tỉ phú từ BĐS

Sinh ra tại Hải Phòng, năm 7 tuổi, ông theo gia đình vào Sài Gòn. Lớn lên trong gia đình có đến 10 anh chị em, ông phải vất vả lắm mới tốt nghiệp đại học ngành văn và ngoại ngữ. Sau đó, ông làm công việc xúc tiến kinh doanh cho một công ty tại Sài Gòn rồi làm thông dịch viên.

Năm 1975, ông cùng vợ sang Mỹ định cư. Nhờ vào vốn tiếng Anh nên ông dễ dàng tìm được công việc bán máy hút bụi tại California. Thế nhưng, với đam mê làm giàu sẵn có, ông quyết tâm khởi sự kinh doanh cho riêng mình.

Khi đó, chàng trai trẻ Triệu Như Phát không vội vã làm giàu mà muốn có trước hết một nền tảng kiến thức vững chắc. Vì thế, ông chấp nhận làm công việc bảo vệ để đi học thêm.

Năm 1978, ông Triệu Như Phát chính thức khởi sự kinh doanh ngành bất động sản tại California khi thành lập Công ty Bridgecreek. Dồn hết tâm huyết vào đây, suốt 10 năm trời gần như tuần nào ông cũng làm việc 7 ngày với hơn 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Từ khi thành lập đến nay, Bridgecreek đã đầu tư các dự án bất động sản với tổng trị giá lên đến 400 triệu USD. Trong đó, có Khu thương mại Phước Lộc Thọ (còn mang tên tiếng Anh là Asian Garden Mall) đóng vai trò trung tâm thương mại quan trọng của người châu Á tại Mỹ.

Vào năm 2002, Tổng thống Mỹ khi đó là ông George Bush chỉ định doanh nhân Triệu Như Phát vào Ban giám đốc Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). Đây là một quỹ trực thuộc Nhà Trắng chuyên hỗ trợ trao đổi giáo dục Việt – Mỹ, từng cấp học bổng cho hàng trăm trí thức Việt Nam sang Mỹ để tu nghiệp, học thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ. Sau đó, ông trở thành Giám đốc của VEF.

Tỉ phú công nghệ Trung Dung

Đến Mỹ vào năm 1984 với số tiền vỏn vẹn 2 USD trong túi cùng vốn tiếng Anh ít ỏi, chàng thanh niên Trung Dung 17 tuổi bắt đầu ra sức làm thêm để đi học.

Trung Dung vừa làm việc hằng đêm tại một nhà hàng và gác cổng ở một bệnh viện vào cuối tuần nhưng cũng chỉ kiếm được 350 USD mỗi tháng. Thế nhưng, trong 3 năm ông không chỉ nhận bằng cử nhân toán và máy tính của Đại học Massachusetts, mà còn hoàn thành 90% chương trình thạc sĩ khoa học máy tính.

Sau đó, ông nhận học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Boston. Hoàn thành chương trình tiến sĩ, ông bắt đầu theo đuổi sự nghiệp theo đúng chuyên môn sẵn có và làm việc tại Công ty phần mềm thương mại điện tử OpenMarket.

Sau vài năm làm việc, ông rời khỏi công ty này và chấp nhận từ bỏ lợi ích khoảng 1 triệu USD nhờ quyền chọn mua cổ phiếu. Tuy nhiên, Trung Dung lại sở hữu những nền tảng vững chắc để thành lập Công ty phần mềm OnDisplay chuyên cung cấp các ứng dụng trực tuyến cho doanh nghiệp vào năm 1996.

Vượt qua vô số khó khăn, OnDisplay từng bước lớn mạnh và trở thành một trong số ít các công ty thành công lớn khi lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra thị trường vào năm 1999. Không chỉ thu về nhiều triệu USD, OnDisplay còn là công ty tiên phong cho làn sóng những doanh nghiệp của các ông chủ gốc Á trỗi dậy trong ngành internet Mỹ.

Đến năm 2000, Trung Dung chính thức trở thành tỉ phú bằng việc thu về 1,8 tỉ USD nhờ vào thương vụ bán cổ phần của ông trong OnDisplay cho Vignette Corporation (nay là OpenText). Nhờ đó, ông trở thành một điển hình trong cuốn sách Giấc mơ Mỹ của tác giả Dan Rather.

Video liên quan

Chủ đề