Câu đường về biên giới là trong bài thơ nào năm 2024

Những người lính chúng tôi cuối những năm 80, 90 của thế kỷ trước đóng quân ở biên giới không ai là không thuộc. Buổi diễn văn nghệ nào cũng hát, không cứ là không chuyên, mà kể cả các ca sĩ chuyên nghiệp lên phục vụ biên giới cũng hát, nghe nhiều nhưng không chán, ai cũng thích, thậm chí yêu cầu hát nhiều lần. Thì ra có quy luật văn chương đích thực luôn là món ăn tinh thần, không thể thiếu được. Tất nhiên còn nhiều yếu tố như sự cộng hưởng trong bối cảnh, tâm lý tiếp nhận của độc giả. Có tác phẩm thời này, lớp người này thấy hay nhưng không hay ở thời khác, lớp người khác. Nhưng với "Chiều biên giới", tôi tin sẽ sống mãi để “đi cùng năm tháng”. Bởi lẽ, dễ thấy bài thơ nói đúng được tinh thần nghệ thuật một cách chân thành, mộc mạc về không gian mùa xuân biên giới, về tình yêu, nhất là nói đúng được tâm hồn người lính...

Nhà thơ Lò Ngân Sủn sinh năm 1945, người dân tộc Giáy (có nơi gọi là Pu Dáy), quê ở Bát Xát, Lào Cai, từng làm nghề dạy học, tham gia công tác chính quyền, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa V). Ông là tác giả của các tập thơ: "Chiều biên giới"; "Những người con gái của núi"; "Đám cưới"; "Đường dốc"; "Dòng sông mây"; "Lều nương" ... Ông có những câu thơ mang tính khái quát nói lên được con người tác giả, dân tộc, phong cách thơ: “Dân tộc Pu Dáy bé nhỏ của tôi/ Là một chiếc lá/ Mọc trên cành cây Đất Nước” (bài "Chiếc lá")...

Với những người lính từ miền xuôi lên thì biên giới mùa xuân đúng là một tác phẩm mà chỉ có tạo hóa mới sáng tạo nổi, còn không một nghệ thuật nào có thể miêu tả cho hết được. Nhất là những buổi chiều nắng buông như rót mật vàng vào rừng dưới thung lũng, nắng chiếu vào hoa chuối đỏ tươi lấp loáng, rồi hương cây, hương hoa... Rồi âm thanh của chim kêu gọi nhau về tổ. Thỉnh thoảng có tiếng nai tác vang lên cô đơn. Tiếng mõ trâu về bản. Bên kia sườn núi thấp thoáng bóng sơn nữ... Những hình ảnh thi vị ấy chỉ có chúng tôi, những người canh chốt mới được tận hưởng. Chỉ tiếc không đủ vốn ngôn ngữ để làm thơ. Trong không gian ấy tất yếu đưa người lính nhớ về với quê nhà, bất giác bài hát "Chiều biên giới" vang lên trong hồn người. Anh lính cứ thế nhẩm hát theo, như vô thức. Nỗi nhớ quê hương vơi hẳn, chỉ còn hình ảnh biên giới trước mắt với vẻ tráng lệ đến vô cùng...

Chiều biên giới em ơi Có nơi nào xanh hơn Như tiếng chim hót gọi Như chồi non cỏ biếc Như rừng cây của lá Như tình yêu đôi ta.

Chiều biên giới em ơi Có nơi nào cao hơn Như đầu sông đầu suối Như đầu mây đầu gió Như quê ta ngọn núi Như đất trời biên cương.

Đến mãi sau này được tiếp xúc nhiều, học nhiều tôi mới ngẫm thấy đúng là nghệ thuật chỉ đi vào lòng người khi nói một cách tự nhiên nhất điệu hồn dân tộc. Hai khổ đầu, mỗi khổ 6 câu, mỗi câu 5 chữ ngắn gọn nhưng sao đọc lên thấy dư ba, ngân nga, cứ như đọc thơ lục bát vậy. Phải mất mấy tháng trời vừa hành quân vừa hát, tôi mới thấy nhịp thơ ấy đúng là nhịp bước chắc khỏe của người miền núi. Ngoài 8 chữ “như” so sánh, còn là các so sánh hơn: “Có nơi nào xanh hơn”, “Có nơi nào cao hơn” rất đúng với cách nói ví von cụ thể của đồng bào dân tộc. Nếu “chiều biên giới” còn trừu tượng, khái quát, thì các so sánh đã cụ thể hóa, như các dòng suối nhỏ nhẹ nhàng len lỏi chảy vào miền cảm nhận của độc giả: “Như tiếng chim hót gọi”, “Như đầu sông đầu suối”... “Chiều biên giới em ơi” đầu mỗi khổ thơ tạo ra điệp khúc của nhạc, đọc thơ cũng là cất lên tiếng hát. Hát cho ai? Hát cho mình và cho “em”. Không gian ấy, hoàn cảnh ấy, tâm trạng ấy thì “gửi” cho em là “đắc địa” nhất. Lời hát vừa cao vút vào không gian rồi lắng đọng ngay vào miền trữ tình “em”. “Chiều biên giới em ơi”, chỉ một thanh trắc (giới) nổi lên ở giữa câu 4 thanh bằng cứ như là mô hình của ngọn núi nổi cao giữa hai vùng thung sâu... Chữ “ơi”-âm mở tạo ra độ vang vọng của lời gọi, nếu là lời gọi thầm, sẽ vọng vào con tim... Trời đất, tiếng Việt tuyệt vời! Còn là hình ảnh, màu sắc của mùa xuân với màu xanh của rừng, chồi biếc của lộc; âm thanh xạc xào của lá, của tiếng chim hót, của tiếng suối, tiếng gió; là hình ảnh trập trùng của núi, của đầu sông đầu suối (nơi xa vắng nhất), của đầu mây, đầu gió (nơi heo hút nhất)... Nhưng tất cả đều ấm áp, đều như xôn xao, rạo rực vì có “tình yêu đôi ta”, vì có tình yêu “đất trời biên cương”. Phải là anh lính thật sự ở miền ấy, thời ấy mới có thể cảm nhận hết cái thiêng liêng của lời thơ, lời hát này!

Chiều biên giới em ơi Có nơi nào đẹp hơn Khi mùa hoa đào nở Khi mùa sở ra cây Lúa lượn bậc thang mây Mùi tỏa ngát hương bay.

Chiều biên giới em ơi Rừng chăng dây điện sáng Ta nghe tiếng máy gọi Như nghe tiếng cuộc đời Lòng ta thầm mê say Trên nông trường lộng gió Rộng như trời mênh mông.

Ở khổ trên, tác giả mượn cái nhìn của hội họa để “vẽ” lên cái “đẹp”: Màu sắc đỏ, hồng của hoa đào; màu trắng muốt, nhụy vàng ươm của hoa sở; nhất là ruộng bậc thang uốn lượn thì thật mê hồn. Hai chữ “thang mây” là rất đúng. Không có con người nhưng lại ca ngợi con người ngang tầm tạo hóa: Tạo ra thang mây uốn lượn lên trời. Hình như tác giả cũng bất lực trước cái đẹp kỳ vĩ ấy, nên câu cuối đành trở về làm con người bình thường để thưởng thức cái hương vị qua một khứu giác đời thường: “Mùi tỏa ngát hương bay”... Hoàng hôn xuống nhanh. Chiều biên giới chuyển màu đêm. Nhưng lòng người thì sáng, sáng cùng với ánh sáng điện, cùng tiếng máy nông trường làm việc ca ba... Không gian như rộng ra. Lòng người như rộng ra: “Rộng như trời mênh mông”.

Chiều biên giới em ơi Đôi ta cùng chiến hào Gần nhau thêm bền chí Tình yêu là vũ khí Giữ đất trời quê hương.

Chiều biên giới em ơi Nghe con sông chảy xiết Nghe con suối thác đổ Hồn ta như ngọn gió Thổi giữa trời quê hương

Bài thơ kết cấu 6 khổ, mỗi khổ chung một cấu trúc điệp khúc mở đầu “Chiều biên giới em ơi” như gọi, như nhắn, như trao gửi, như tâm sự, thủ thỉ, giãi bày. Bốn khổ trên hướng về không gian, hai khổ sau hướng về “đôi ta”. Xin một lý giải về “Đôi ta cùng chiến hào” tức “em” ở đây là cụ thể chứ không phải “em” trừu tượng chung chung.

Rất có thể, với tác giả, thì “em” là người yêu, là người vợ... Với bạn đọc thì “em” vẫn có thể là trừu tượng, chỉ có trong tưởng tượng. Với cách hiểu nào thì đó cũng là một tình yêu trong sáng vô ngần, tình yêu riêng nằm trong tình yêu nước, tình yêu là động lực, là sức mạnh cho những lứa đôi, cho tất cả mọi người “Giữ đất trời quê hương”. Tình yêu ấy hào phóng như gió, mạnh mẽ như gió và cũng vô tư như gió “Thổi giữa trời quê hương”. Những lời thơ nồng nàn trữ tình, đắm say tha thiết, càng thêm thấy người Việt Nam mình yêu hòa bình cháy bỏng. Với họ, hòa bình, tình yêu và cái đẹp mới là lẽ sống, để vượt lên mọi gian khổ, khó khăn. Gọi đó là tinh thần lạc quan? Chưa đủ, còn vững vàng bản lĩnh, giàu có niềm tin, mạnh mẽ ý chí, mãnh liệt tình yêu!

Một bài thơ hay viết về tình yêu cá nhân hòa trọn vào tình yêu đất nước, sống trong tình yêu đất nước. Xét đến cùng, những tình yêu đẹp như vậy sẽ sống mãi vì sự lan tỏa, vì được nhân lên trong cả “đất nước tình yêu” (như tên một bài hát)!