Cát trắng trong gió lào cát trắng là gì năm 2024

40 năm qua, khi nhắc đến Quảng Trị mọi người thường nhớ đến mảnh đất bom đạn, ranh giới chia cắt 2 miền Nam - Bắc thời máu lửa. Nhưng ngày nay, khi nhắc đến Quảng Trị, không thể không nhắc đến đặc sản vùng miền nơi đây, đó là gió Lào cát trắng, là con người biết vượt qua khắc nghiệt của thiên nhiên, vươn lên mạnh mẽ.

40 năm qua, khi nhắc đến Quảng Trị mọi người thường nhớ đến mảnh đất bom đạn, ranh giới chia cắt 2 miền Nam - Bắc thời máu lửa. Nhưng ngày nay, khi nhắc đến Quảng Trị, không thể không nhắc đến đặc sản vùng miền nơi đây, đó là gió Lào cát trắng, là con người biết vượt qua khắc nghiệt của thiên nhiên, vươn lên mạnh mẽ.

Quảng Trị - miền quê của gió Lào cát trắng nằm ở đoạn thắt lại trên chiều dài Bắc - Nam, chính giữa khúc ruột miền Trung đất nước. Hình thế Quảng Trị tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, nhìn ra biển Đông bao la. Cũng chính vị trí địa lý như vậy nên Quảng Trị được thiên nhiên ban tặng cho món quà đặc biệt: hiệu ứng gió Phơn, người miền Trung hay gọi là gió Lào vì gió thổi từ Lào sang.

Nguồn gốc của gió Lào chính là gió mùa mùa hè, gặp dãy Trường Sơn, không khí bị đẩy lên cao và lạnh nên hầu hết hơi ẩm đều bị ngưng lại thành mưa trút xuống bên sườn phía Tây dãy núi. Khi thổi sang bên sườn núi phía Việt Nam, gió trở nên khô và nóng. Gió Lào thường thổi thành từng đợt, đợt ngắn 2-3 ngày, có đợt 10-15 ngày, có khi kéo dài tới 20-21 ngày. Trong một ngày, gió Lào thường bắt đầu thổi từ 8, 9 giờ sáng cho đến chiều tối, thổi mạnh nhất từ khoảng gần giữa trưa đến xế chiều. Khi có gió Lào thổi, nhiệt độ cao nhất vượt quá 37oC và độ ẩm xuống dưới 50%. Và Quảng Trị là tỉnh bị chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Bầu trời không một gợn mây, trời nắng chói chang, gió lại thổi đều đều như quạt lửa khiến cây cỏ héo khô, ao hồ cạn kiệt, con người và gia súc bị ngột ngạt.

Còn nhớ những năm 60, gió Lào cấp 7 cấp 8, nguồn nước sông cạn kiệt, ở huyện Hải Lăng, nước mặn ngược vào đến cầu Mỹ Chánh, không có nước ngọt để tưới đồng ruộng, mùa màng mất trắng, bà con nông dân phải nhờ cứu trợ của chính quyền. Đến mùa gió Nam thổi, dân làng sợ nhất là cháy nhà vì nhà nào cũng có một cây rơm để làm chất đốt, cho trâu bò ăn vào mùa mưa rét. Nếu không may cháy đầu làng, lửa lan từ nhà này sang nhà bên đến cuối làng không trở tay kịp. Sau khi hỏa hoạn xong, đi từ đầu làng đến cuối làng cây cối xác xơ, nhà cửa hoang tàn, đổ nát, gia súc gia cầm chết cháy còn hơn chiến tranh.

Hòa bình lập lại, đất nước đổi mới, chính quyền địa phương cũng đầu tư cải thiện đê điều chống lũ lụt, hạn hán, song vẫn không tránh khỏi tình trạng trên mỗi mùa mưa bão nắng gắt. Càng đi ra phía thành phố Đông Hà gió càng mạnh hơn, nhiều cô cậu học trò đi học hay mấy cô, mấy dì đi chợ huyện đạp xe qua cánh đồng lúa mênh mông không thắng nổi sức quật của gió đành phải dắt bộ một quãng đường khá xa giữa cái nắng trưa hè gay gắt. Nhiều khi chỉ có 4, 5 cây số mà đạp cả tiếng đồng hồ. Nón mũ đội trên đầu cũng bị gió hất tung. Các xã, huyện ở gần biển như Hải An, Hải Khê thuộc Hải Lăng hay Gio Việt, Gio Hải thuộc Gio Linh thường cứ tới mùa gió Lào là trong nhà ngoài ngõ đều phủ kín cát, từ giường nằm đến chậu nước đều bị cát tấn công.

Trải qua thời gian dài, đặc biệt chặng đường 40 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2015), kinh tế của tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Giờ đây, những con đường đất đỏ đầy sỏi đá, bụi bay mù mịt, những ngày nắng gió hay lầy lội, lún sệt, những ngày mưa bão đã được thay bằng lớp xi măng cứng cỏi. Trường học cũng được xây dựng mới hoặc di dời về gần khu trung tâm của huyện xã. Đi về vùng biển, đa phần nhà cửa khang trang hơn.

Cư dân vùng biển phát triển mạnh đánh bắt cá, có nhiều tàu lớn đánh bắt xa bờ 3-4 ngày hoặc có khi 1 tuần. Vui nhất là đến vụ thu hoạch, từng mẻ cá tươi nặng trĩu, đầy ắp khoang được ngư dân phấn khởi chuyền tay nhau. Dưới cái nắng chói chang giữa trưa hè gay gắt, từng chiếc nón lá của các bà, các mẹ hay cái đầu nhỏ xinh với khuôn mặt đỏ ửng vì nắng gắt cứ nhấp nhô trên bãi phơi cá là hình ảnh quen thuộc và tưởng như quá gần gũi đối với người dân vùng biển nghèo, nhưng đó là niềm vui vì trúng mùa cá, vui vì được hăng say lao động.

Nét đặc trưng khắc nghiệt của nơi này thu hút sự tò mò của khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá. Một điều lạ kỳ dù nhiều người hăm hở và hồi hộp được đến thăm các di tích lịch sử một thời hào hùng như cầu Hiền Lương, sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vĩnh Mốc… nhưng khi dừng xe không dám xuống bởi nhiệt độ trong xe và ở ngoài quá chênh lệch nhau. Một số du khách ở các vùng khác đến đây đều choáng ngợp với cái nóng hừng hực của gió Lào.

Nhiều người thấy sợ và bị ám ảnh bởi cái nắng chói chang cùng mùi khen khét, nóng nực khó thở của thời tiết nơi đây. Cũng từ đó, họ lại càng khâm phục con người Quảng Trị hơn, khâm phục không chỉ bởi lịch sử 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ mà còn bởi tính cần cù, chịu thương chịu khó đặc biệt là tinh thần học hỏi được hun đúc bao đời từ mảnh đất nghèo khổ này.

Với những người con xa quê, dù lưu lạc hay định cư ở bất kỳ nơi đâu đều luôn nhớ đến nơi chôn nhau cắt rốn, thèm khát được nếm mùi vị khen khét, khó thở của gió Lào và được tắm mình trong bão cát ở vùng biển mặn mà. Tuy không hấp dẫn, không ngọt ngào nhưng nó lại có một sức hút đến kỳ lạ bởi đó là tình yêu quê hương, yêu nguồn cội và yêu cả người dân bao đời vất vả, cần cù nơi được mệnh danh là mảnh đất đầy gió - mảnh đất nghèo khó - Quảng Trị thân thương.

Chủ đề