Bộ đội ra đa học văn hóa thời kháng chiến

Văn học, nghệ thuật là một bộ phận đặc biệt quan trọng của đời sống tinh thần xã hội nói chung, đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các giải pháp; trong đó, phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật, tạo động lực chính trị, tinh thần, giúp cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao là một nội dung quan trọng, cần được cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp quan tâm đúng mức.

Với tầm nhìn chiến lược, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền văn học, nghệ thuật cách mạng, tạo động lực chính trị, tinh thần to lớn phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của Đảng và dân tộc. Hưởng ứng chủ trương đó, một thế hệ văn, nghệ sĩ tài năng của giai đoạn 1930 - 1945 tự nguyện tham gia phục vụ sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân tộc với tinh thần: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”1; nhiều người trong số đó đã gia nhập Quân đội, vừa sáng tác, vừa cầm súng chiến đấu. Bằng trải nghiệm thực tiễn trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, các văn, nghệ sĩ Quân đội đã sáng tạo nên một kho tàng vô giá các tác phẩm văn học, âm nhạc, tranh cổ động, điện ảnh,... có nghệ thuật cao và giá trị tư tưởng, chính trị, nhân văn sâu sắc, góp phần khắc họa đậm nét về sự anh dũng, kiên cường, quả cảm nhưng rất dung dị của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam - hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” qua các thời kỳ. Nổi bật là, trong kháng chiến chống Pháp, văn học, nghệ thuật, nhất là những ca khúc cách mạng đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần để cổ vũ, động viên ý chí, quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, không sợ hy sinh, quyết chiến, quyết thắng của bộ đội. Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ở thời kỳ mà cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất đã truyền lửa cho phong trào hết mình vì tiền tuyến của quân và dân ta chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, góp phần quan trọng chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đến nay, văn hóa, nghệ thuật trong Quân đội tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, truyền lửa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa quan điểm, đường lối văn hóa của Đảng, những năm gần đây, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ trong Quân đội. Tổng cục Chính trị đã ban hành Kế hoạch “Tổ chức hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí Quân đội giai đoạn 2021 - 2025”, cụ thể hóa, hiện thực hóa quan điểm, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn nghệ trong Quân đội. Cơ quan chức năng các cấp phát huy vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả các hoạt động văn hóa trong cơ quan, đơn vị. Hệ thống thiết chế văn hóa ở các cấp được xây dựng, củng cố, ngày càng hoàn thiện. Đội ngũ văn, nghệ sĩ Quân đội được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, tích cực phục vụ bộ đội và nhân dân. Nhờ đó, công tác văn hóa, nghệ thuật trong Quân đội không chỉ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội, mà còn đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phê phán những biểu hiện tiêu cực, bảo vệ các giá trị chân - thiện - mỹ, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.

Tuy nhiên, công tác văn hóa, văn nghệ trong Quân đội vẫn còn có mặt hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ về vai trò của văn hóa, văn nghệ chưa đầy đủ, sâu sắc. Hoạt động của một số thiết chế văn hóa ở cơ sở còn hình thức, thiếu chiều sâu; chưa có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, tác phẩm văn học nghệ thuật, tương xứng với truyền thống lịch sử hào hùng của Quân đội; hoạt động sáng tác nghệ thuật, tính định hướng tư tưởng, thẩm mỹ còn chung chung, chưa gắn chặt với hiện thực cuộc sống, có biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường, v.v. Vì thế, để phát huy vai trò mũi nhọn xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng của hoạt động văn học, nghệ thuật Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thời kỳ mới, cần tập trung vào những giải pháp cơ bản sau:

Một là, đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động văn học, nghệ thuật trong Quân đội. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra yêu cầu phải xây dựng Quân đội ngày càng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong khi đó, các thế lực thù địch không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội; nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần coi văn học, nghệ thuật là một mặt hoạt động đặc biệt quan trọng của công tác tư tưởng nhằm bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần kiên quyết, kiên trì với lòng tin sắt đá vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ đó, xác định rõ nội dung, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần giảm áp lực, tạo trạng thái tâm lý tích cực, xây dựng đời sống tinh thần vui tươi, lành mạnh cho bộ đội. Tăng cường các hoạt động văn học, nghệ thuật phải được đặt trong chủ trương, biện pháp lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị của cấp ủy các cấp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật Quân đội phải thường xuyên, sâu sát, linh hoạt, nhạy bén, thấu hiểu, sẻ chia; vừa đảm bảo cho các hoạt động có tính định hướng chính trị đúng đắn, phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, vừa đảm bảo cơ chế thông thoáng và tạo môi trường phù hợp để các lực lượng hoạt động văn học, nghệ thuật phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình. Kết hợp chặt chẽ giữa khuyến khích, động viên việc sáng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về đề tài bảo vệ Tổ quốc với việc quảng bá và phát huy giá trị của các tác phẩm đó trong đời sống.

Hai là, tăng cường phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động văn học, nghệ thuật Quân đội. Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh thế hệ các văn, nghệ sĩ Quân đội nổi tiếng một thời từng tạo nên nhiều tác phẩm bất hủ của giai đoạn văn học, nghệ thuật kháng chiến vô cùng rực rỡ đã lần lượt qua đời hoặc hiện tuổi đã cao, trong khi lực lượng kế cận lại tương đối mỏng. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần có chính sách để thu hút các tài năng văn học, nghệ thuật về hoạt động trong các cơ quan văn học, nghệ thuật và các thiết chế văn hóa của Quân đội. Bởi, đây là lực lượng thường xuyên bám sát thực tiễn đời sống, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh cũng như ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống khác ở đơn vị cơ sở; từ đó, viết lên những tác phẩm có giá trị về công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Cùng với đó, các đơn vị cần tích cực phát hiện, bồi dưỡng những cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu để họ trở thành những hạt nhân văn học, nghệ thuật tại đơn vị. Tiếp tục phát huy vai trò của các cơ sở đào tạo cũng như các cơ quan quản lý, các thiết chế văn hóa ở các cấp trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng lực lượng văn, nghệ sĩ Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba là, tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng và công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trước hết, các cơ quan chức năng tích cực, chủ động tham mưu với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, tổ chức tốt các trại sáng tác trên tất cả các loại hình, như: văn học, hội họa, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, nghệ thuật múa, v.v. Đồng thời, có chính sách thích hợp để động viên, khích lệ, tập hợp các tác giả trong và ngoài Quân đội tham gia sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng cũng như phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ hiện nay. Các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho các tác giả thâm nhập thực tế học tập, rèn luyện, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tham gia phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn của bộ đội, nhất là giúp cho các tác giả có những hiểu biết sâu sắc về thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới của Tổ quốc làm tư liệu cho những sáng tác chất lượng. Định kỳ tổ chức nghiệm thu, trao thưởng cấp Bộ Quốc phòng cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật một cách công tâm, khách quan, chính xác, tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo của văn nghệ sĩ để có nhiều hơn các tác phẩm có giá trị về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân.

Bốn là, tiếp tục phát huy giá trị của các tác phẩm văn học, nghệ thuật được sáng tác trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Trong lịch sử gần 80 năm của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đã ra đời trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, v.v. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần có những giải pháp quyết liệt nhằm đưa giá trị của những tác phẩm đó thấm sâu vào đời sống tinh thần của bộ đội, thông qua các hội thi, hội diễn, lan tỏa “văn hóa đọc”. Hệ thống các học viện, nhà trường Quân đội cần đưa bộ môn văn học, nghệ thuật vào chương trình đào tạo để tham gia định hướng, khích lệ bộ đội biết hưởng thụ và phát huy giá trị của các tác phẩm phản ánh sinh động lịch sử đấu tranh của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống của dân tộc, cách mạng và Quân đội, tiếp tục nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Năm là, các đơn vị cơ sở trong toàn quân phát huy tối đa công năng của các thiết chế văn hóa trong việc thụ hưởng và sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia đấu tranh bài trừ ảnh hưởng của các sản phẩm phi văn hóa; tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ trong đơn vị góp phần tích cực xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh thực sự là cái nôi để đào luyện nhân cách người quân nhân cách mạng cho mỗi cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, thông qua các thiết chế văn hóa, phải làm cho hoạt động văn học, nghệ thuật Quân đội luôn bám sát cuộc sống huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị cơ sở; thiết thực cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống đang diễn biến phức tạp trong giai đoạn hiện nay.

Văn học, nghệ thuật trong Quân đội là một mặt trận, luôn gắn liền với thực tiễn hoạt động và đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên các lĩnh vực, nên cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, với kết tinh trí tuệ ở các giải pháp đồng bộ. Vì thế, thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ thiết thực nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm được giao; cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”2.