Biên kịch phim em chưa 18 được bao nhiêu tiền

Logline (cốt truyện) là một câu tóm lược những yếu tố quan trọng nhất làm nên bộ phim, là kim chỉ nam giúp biên kịch giữ đúng hướng phát triển của bộ phim.

  • Ví như Titanic của James Cameroon, “Chuyện tình Romeo và Juliet trên 1 con tàu đắm lớn nhất thế kỷ” chính là logline của bộ phim, chỉ thế thôi ta có thể thấy đây là một phim thuộc thể loại tình cảm với 2 nhân vật chính đến từ 2 thế giới khác nhau, hoạt cảnh là con tàu đắm lớn nhất thế kỷ dự báo một bộ phim được đầu tư kinh khủng, và đúng là chi phí sản xuất bộ phim còn cao hơn nhiều chi phí sản xuất con tàu thật. Mười hai năm sau, James tiếp tục chào hàng các nhà sản xuất vẫn bằng câu chuyện về “Romeo & Juliet trên một hành tinh xa lạ”, nghe đã thấy tình cảm trắc trở và…nhiều tiền. Logline của Em chưa 18 có thể tóm gọn là “Câu chuyện một con bé nữ sinh 17 tuổi đi lừa tình một thằng play boy”, thế có đủ để bạn hình dung được một bộ phim tình cảm hài bối cảnh học đường?
  • Anh Hoàng chia sẻ, bộ phim bắt đầu được bấm máy khi anh phải sửa kịch bản đến version 8.9. Ở đây 8 là số lần chốt cấu trúc và 9 là số lần thay đổi các tình tiết, hội thoại,…blah blah với mỗi lần thay đổi mạch truyện đấy. Tất cả những thay đổi đó là để giữ cho bộ phim đi đúng chủ đề tình cảm hài bối cảnh học đường, và anh cũng nhắc đi nhắc lại mãi yếu tố tiên quyết này trong suốt buổi nói chuyện. Có rất nhiều bộ phim khác với yếu tố hài làm chưa tới chính là bởi biên kịch dễ bị sa vào các tình tiết thừa, hay xử lý không khéo khiến phim có thể dễ dàng lậm sang “drama” hay gì gì đó.
  • Chủ đề của phim phải được thể hiện rõ ràng trong 2-5 phút đầu phim, ví như một bộ phim kinh dị thường sẽ bắt đầu bằng một đoạn chầm chậm và con ma hay một chi tiết rợn người đến ngay sau đó. Hay như trong phim, lướt qua khung hình đầu tiên là đồ lót vứt lung tung, một phút sau tình tiết được đẩy lên cao khi Linh Đan và Hoàng nháo nhào vì ba Hùng gõ cửa, và tiếp tục là màn rượt đuổi giữa Hoàng và ba Linh Đan, chỉ với vài phút ngắn ngủi đã giúp ghim vào đầu khán giả rằng đây là một bộ phim hài. Điều này lại đặc biệt cần thiết với dòng phim “thương mại” vì khán giả chỉ có khoảng 90 phút xem phim nên không thể bắt họ phải dùng não quá nhiều chỉ để xác định xem mình đang xem cái gì đây.
  • Khi được hỏi tại sao lại chọn chủ đề thanh xuân học đường kiểu Tây cho phim, anh Hoàng có chia sẻ nó đến từ yếu tố văn hoá phù hợp. Một cốt truyện rất phá cách và có hơi hướng nổi loạn hẳn sẽ không hợp với tà áo dài, mà sẽ hợp hơn nếu được đặt trong một môi trường có yếu tố ngoại với những hoạt động và môi trường giáo dục cởi mở. Anh có nói đùa là “cũng đã chọn ăn bánh mỳ (phim học đường, thanh xuân) thì người ta ăn bánh mỳ việt hoài, mình ăn thử Hamburger xem sao”. Khi nhắc đến yếu tố văn hoá này, anh cũng lấy ví dụ một điểm trong phim “Cô gái đến từ hôm qua” mà anh gọi là “một chút nhợn nhợn ở cổ, cảm thấy nuốt không trôi”, đó là tình tiết mối tình thầy trò của tuyến nhân vật phụ, anh cho rằng nó là một sự phát triển không phù hợp với môi trường giáo dục truyền thống như bối cảnh của phim. Đây là một điểm mà mình cũng thấy không ổn nhưng sau đó bị cuốn vào dòng cảm xúc phim mang lại nên quên mất khi về viết review phim này (sau này phải rút kinh nghiệm, cái gì thấy háo hức muốn viết ngay mà không xem lại thường không trọn vẹn).
  • Sau khi đã xác định rõ chủ đề muốn khai thác, việc giữ cho nó đi đúng theo đó là một thách thức của biên kịch. Nếu thất bại thì sẽ là một phim làm không tới, nhiều khi còn mắc lỗi cố đấm ăn xôi vẽ vời thêm rồi sẽ thấy ngượng và vô lý. Trong “Em chưa 18” có rất nhiều đoạn rất dễ bị lậm sang “drama” và dễ đoán nếu cứ như di theo mô típ thông thường, nhưng Hoàng đã xử lý rất tốt khi anh luôn có cách làm mới và kéo khán giả quay lại với cái hài của phim. Ví dụ như phân đoạn khi Hoàng phát hiện Linh Đan lừa dối mình suốt thời gian qua – “anh muốn biết là suốt thời gian qua có cái gì là thật giữa hai đứa hay không?”, nghe bi ai vô cùng . Và sau khi Linh Đan rời khỏi nhà, anh còn phải nói dối bố để làm ông không thất vọng vì đứa cháu đích tôn của ông chỉ là tưởng tượng mà thôi. Nếu như là một bộ phim tâm lý tình cảm bình thường, đây nhiều khả năng sẽ là dịp cho một trong hai nhân vật chính thoả sức khóc trong mưa, nhưng không! Khánh Hoàng đã cho con chó xuất hiện bất ngờ trong cái nôi em bé, hình ảnh này dĩ nhiên là đáng yêu hết sức, và dễ dàng khiến khán giả phải bật cười. Hay như lúc cãi nhau ở buổi tiệc mà Linh Đan lén rủ bạn bè đến nhà Hoàng , mọi thứ lẽ ra sẽ tiếp tục căng thẳng đến khi xuất hiện bộ đôi gây cười Ngọc Trai & Chí Tâm xuất hiện, với một hai câu thoại ngớ ngẩn đã xua tan không khí căng thẳng trước đó.

Tiếp đến là nhân vật, để có thể tưởng tượng ra nhân vật của mình một cách rõ nhất, Hoàng có chia sẻ với mỗi nhân vật anh phải tự hỏi khoảng 50 câu hỏi, ví như quá khứ nhân vật ấy là người như thế nào, thích gì, ghét gì…blah blah.

  • Nó không chỉ là tư liệu cho anh sáng tác mà còn là để đáp ứng nhu cầu công việc, các diễn viên yêu cầu cao sẽ luôn tìm đến người biên kịch để hỏi về nhân vật với mong muốn hiểu họ một cách rõ nhất, và biên kịch lúc nào cũng phải sẵn sàng trả lời được những câu hỏi như vậy.
  • Xác định được đâu là nhân vật chính cũng rất quan trọng, nhân vật chính chính là người có chuyển biến lớn nhất trong phim, với Em chưa 18 nhân vật playboy Hoàng chính là nhân vật chính, anh từ một người đàn ông chuyên tình một đêm trở thành một người đàn ông của gia đình, đến gần cuối phim thì sẵn sàng có con…và có lúc cũng đã mất hết tất cả.
  • Sau khi có được nhân vật chính, ta sẽ xây dựng các nhân vật vệ tinh, xác định môi trường và gắn cho nó một định danh tương ứng với vai trò của nó trong phim. Lấy ví dụ, Nhân vật Tuấn của Huy Khánh được xây dựng như một buddy của Hoàng, nhiệm vụ của anh hay của nhân vật phụ khác có cùng định danh với anh là Kiều Trinh trong vai Phương – bạn của Linh Đan – chính là giúp nói lên tiếng lòng của nhân vật chính, có một đoạn Tuấn đã hỏi Hoàng “Ê đừng có bảo là mày thích nó rồi nha!”, tất nhiên là Hoàng hiểu điều đó hơn ai hết, chỉ là anh không muốn (hay không thể) nói ra mà thôi.
  • Một sự thành công khác về xây dựng nhân vật không thể không kể đến hai người bố, Quang Minh vai Hùng bố Linh Đan và Chánh Tín vai ba của Hoàng. Ban đầu tác giả định để Linh Đan và Hoàng đều có mẹ, nhưng sau sợ yếu tố này sẽ làm phim nó drama quá thì quyết định bỏ đi. Các bạn thử tưởng tượng liệu có hợp lý khi để một bà mẹ con gái là “Chồng có thể lấy nhiều lần, nhưng Prom thì chỉ có một lần trong đời”, hay như mẹ nào có thể phát ngôn ngon lành khi biết con trai mình làm một đứa con gái chưa đủ tuổi có bầu như Chánh Tín nói với Hoàng – “Mày là mày dữ hơn tao hồi xưa luôn đó hả!”. Một bà mẹ có thể nói ra những câu hồn nhiên như vậy xem chừng không hợp lý, nhưng một ông bố với mong muốn hiểu con, muốn được làm bạn với con thì lại rất đáng hoan nghênh. Quang Minh trong vai ba Hùng đã thể hiện được một hình ảnh như vậy, đây cũng là một thành công không mong đợi của phim khi nói ra được những điều mà các bạn teen ước ao, có được bậc phụ huynh có thể hiểu mình.
  • Khi nói đến phần này, có một bạn đặt câu hỏi rất hay là “Anh làm thế nào để nhân vật chính của anh với các tính cách xấu xí vẫn được mọi người đón nhận một cách bình thường dù ngoài đời thì chắc chắn là nhận một xe đá rồi?”. Anh Hoàng có trả lời là anh dùng một thủ thuật để gợi sự thông cảm của khán giả mà anh gọi là “Save the cat”, thủ thuật này có thể lấy ví dụ là một tên tội phạm trên đường đang chạy trốn dù rất vội nhưng vẫn có thể dừng lại cứu một con mèo đang mắc kẹt trên cây, điều này có thể liên tưởng là anh ta có thể là tội phạm nhưng vẫn là một người nhân từ…Ở trong phim, trên đường bị ba của Linh Đan rượt, Hoàng lại vô tình nhìn thấy một vụ ăn cướp và bất đắc dĩ ra tay giúp đỡ, dù rằng chỉ là do hám gái nhưng cũng đã thể hiện được tính ga lăng của anh chàng, điều này đã vô hình nâng cao thiện cảm người xem dành cho nhân vật của anh.

Kịch bản của “Em chưa 18” tuân theo cấu trúc 3 hồi kinh điển được nói đến trong quyển sách “Save the Cat” – Blake Snyder, Hoàng rất tâm đắc về quyển sách này và có chia sẻ rằng đây cũng là lần đầu có một công thức được công nhận và áp dụng rất nhiều bởi giới biên kịch không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.