Bệnh nghề nghiệp được tính như thế nào

Bài viết sau đây sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy trình khám Bệnh nghề nghiệp.

Hỏi:  Thưa Quý bệnh viện, tôi xin hỏi: Bệnh nghề nghiệp là gì? Đối tượng được khám bệnh nghề nghề nghiệp và Quy trình khám phát hiện bệnh nghề nghiệp được Pháp luật quy đinh như thế nào?

    Trả lời:

Bệnh nghề nghiệp là gì?

Đó là bệnh phát sinh mang tính chất đặc trưng nghề nghiệp hoặc liên quan đến nghề nghiệp, do tác hại thường xuyên và kéo dài của điều kiện lao động xấu. Theo Khoản 9, Điều 3 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015 của Quốc hội Việt Nam khoá 13, Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.

Bệnh nghề nghiệp khác với tai nạn lao động. Tai nạn lao động là tai nạn bất chợt, khiến người lao động bị tổn thương cơ thể trong một sự kiện gọi là vụ tai nạn lao động. Bệnh nghề nghiệp không xuất hiện sau một sự kiện mà phát triển dần dần trong quá trình làm việc của người lao động.


Ảnh: Internet

Bệnh nghề nghiệp được tất cả các nước quan tâm, nghiên cứu lập danh mục bệnh và chế độ đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp. Danh mục này ở các nước có thể khác nhau do trình độ công nghệ và khả năng kinh tế xã hội của từng nước. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có một số công ước về bệnh nghề nghiệp, xếp thành 29 nhóm với hàng trăm bệnh nghề nghiệp khác nhau và bổi thường cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp như Công ước số 18 (1925), Công ước số 142 (1934), Công ước số 121 (1964). Ở Việt Nam, từ năm 1976 Nhà nước đã quy định 8 bệnh nghề nghiệp được bảo và đến nay Thông tư số 15/2016/TT-BYT của Bộ Y tế đã quy định danh mục 34 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội chi trả khi đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 46 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015. Trong thời gian tới, danh mục bệnh nghề nghiệp chắc chắn sẽ được bổ sung cùng với sự phát triển của đất nước. 

Đối tượng được khám bệnh nghề nghề nghiệp là ai?  

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 28/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016, đối tượng được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Thông tư.  Đó là: Người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, kể cả người học nghề, tập nghề, người lao động đã nghỉ hưu hoặc người lao động đã chuyển công tác không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp hoặc người lao động tham gia bảo hiểm xã hội quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng.

Quy trình khám phát hiện bệnh nghề nghiệp được thực hiện như thế nào?
Để thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, cần làm đúng theo Quy trình khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đã được quy định tại Khoản 1, Điều 9 Thông tư 28/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016. Các bước thực hiện là:

Bước 1: Trước khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động hoặc người lao động phải gửi cho cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hồ sơ theo quy định tại Điều 8 của Thông tư 28/2016/TT-BYT.  Hồ sơ gồm:

1) Phiếu khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc theo mẫu quy định (nếu người lao động đã làm việc trước ngày Thông tư 28/2016/TT-BYT có hiệu lực thì sử dụng kết quả khám sức khỏe gần nhất).

2) Sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp thực hiện theo mẫu quy định

3) Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau: a) Kết quả thực hiện quan trắc môi trường lao động b) Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính.

4) Bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án bệnh có liên quan đến bệnh nghề nghiệp (nếu có).

Bước 2:  Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thông báo thời gian, địa điểm và các nội dung cần thiết khác liên quan đến khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động hoặc người lao động;

Bước 3: Thực hiện việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp lần đầu;

Bước 4: Kết thúc đợt khám, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp có trách nhiệm ghi đầy đủ các thông tin trong sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp và tổng hợp kết quả đợt khám phát hiện bệnh nghề nghiệp thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BYT.

Bước 5: Trường hợp người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp phải lập Hồ sơ bệnh nghề nghiệp thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BYT và lập báo cáo trường hợp người lao động mắc bệnh nghề nghiệp thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này.

Bước 6: Sau khi tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 20 ngày làm việc, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp phải trả cho người sử dụng lao động hoặc người lao động các giấy tờ gồm sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp, tổng hợp kết quả đợt khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và hồ sơ bệnh nghề nghiệp (nếu có).

                                                                                                                     PGS.TS. NGUYỄN MINH HIẾU

TRƯỞNG KHOA SỨC KHỎE NGHỀ NGHIỆP - BỆNH VIỆN ĐK QUANG KHỞI 

Chủ đề