Báo cáo so sánh tiki lazada và shoppee

Trong 9 tỷ USD giao dịch qua 5 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam năm ngoái thì 90% thuộc Shopee, Lazada, TikTok Shop.

Số liệu vừa được công bố trong báo cáo "Thương mại điện tử ở Đông Nam Á" của công ty tư vấn và quản lý đầu tư công nghệ Momentum Works (Singapore). Trong đó, 9 tỷ USD là tổng giá trị giao dịch (GMV) qua 5 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam, bao gồm: Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo.

Thị phần năm ngoái của Shopee chiếm áp đảo với 63%, gấp 2,7 lần sàn đứng thứ hai là Lazada. Ngoài ra, dù là tân binh nhưng TikTokShop - tính năng thương mại điện tử nằm trong ứng dụng mạng xã hội video ngắn TikTok - đã chiếm được 4% thị phần, cao hơn Sendo.

Trong khi thứ hạng thị phần của Shopee và Lazada ổn định, TikTok Shop dù mới tham gia thị trường tháng 3 năm ngoái đã phát triển rầm rộ, thậm chí "có cửa" cạnh tranh với các "đàn anh" thương mại điện tử đã mất nhiều năm đốt tiền để có tên tuổi ở Việt Nam.

Đầu năm nay, nền tảng giám sát danh tiếng ứng dụng trí tuệ nhân tạo Reputa cũng công bố bảng xếp hạng thương mại điện tử năm 2022. Trong khi Shopee đứng đầu không bất ngờ thì Tiktok Shop chiếm hạng 3, vượt cả Tiki. Xếp hạng của Reputa tính độ phổ biến thông qua các bộ tiêu chí chấm điểm dựa trên mức độ lan tỏa, yêu thích, quan tâm, thảo luận của người dùng trên mạng xã hội.

Nguồn: Reputa

Sự thống trị của Shopee và Lazada cũng tương tự trên toàn Đông Nam Á. Shopee đứng đầu thị phần ở tất cả 6 thị trường được thống kê gồm: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Singapore. Lazada đứng vị trí thứ hai ở 5 thị trường và hạng nhì ở cấp độ khu vực.

TikTok Shop có thị phần từ 1-5% tùy mỗi nước, với tổng giao dịch qua sàn này năm ngoái tại Đông Nam Á là 4,4 tỷ USD. Momentum Works đánh giá sự phát triển của sàn này cũng chính là một trong những xu hướng nổi bật năm nay.

Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA), quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ B2C tại Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Sở dĩ quy mô này lớn hơn tính toán của Momentum Works vì bao quát toàn thị trường, với các sàn giao dịch chuyên ngành và thương mại điện tử qua mạng xã hội.

Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra triển vọng mua sắm online. Nghiên cứu Thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa công bố mới đây cho hay 85% người tiêu dùng được hỏi nói đã sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà lần đầu trong thời kỳ đại dịch và 64% có mua sắm trên các nền tảng trực tuyến lớn năm ngoái.

Trên toàn khu vực Đông Nam Á, người tiêu dùng đã chi 99,5 tỷ USD để mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử năm ngoái, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2020. "Thương mại điện tử ở Đông Nam Á có thể đi theo quỹ đạo bình thường và lành mạnh trong vài năm tới. Shopee và Lazada sẽ giữ vị thế, chia thị phần với một hoặc hai đối thủ toàn cầu khác", Jianggan Li, Người sáng lập và Giám đốc điều hành của Momentum Works cho biết.

Công ty này dự báo tổng GMV thương mại điện tử Đông Nam Á theo kịch bản bình thường sẽ đạt 175 tỷ USD năm 2028 và tiềm năng có thể đến 232 tỷ USD theo kịch bản tốt nhất.

Báo cáo cho biết, với sự thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng trong thói quen mua sắm trực tuyến sau đại dịch Covid, thương mại điện tử tiếp tục tiến bước vững chắc và duy trì được sự phát triển nhanh và bền vững. Theo đánh giá của Bộ Công thương, năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử ngành bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Thống kê của Reputa, cho biết dẫn đầu bảng xếp hạng sàn thương mại điện tử năm 2022 là Shopee, và nhấn mạnh Shopee đang ngày càng “vượt mặt” Lazada về độ nhận diện trên nền tảng số với Total Score bỏ xa Lazada đến 3 lần. “Theo báo cáo Metric về ngành thương mại điện tử năm 2022, Shopee hiện đang là sàn thương mại điện tử phổ biến nhất Việt Nam khi chiếm đến gần 73% tổng doanh số 4 sàn, tương ứng với khoảng 91 nghìn tỷ. Lazada đứng thứ 2, chiếm 20% với doanh thu 26,5 nghìn tỷ”, báo cáo của Reputa nhấn mạnh.

Đáng chú ý trong bảng xếp hạng này là TiktokShop. Tuy chỉ vừa ra mắt vào cuối tháng 4/2022, Tiktok Shop đã vượt cả “anh lớn” Tiki, vươn lên top 3 bảng xếp hạng trong năm 2022 với Total Score đạt 13,56. Tuy nhiên, Total Score của Tiktok Shop và Tiki không có sự chênh lệch quá lớn, khoảng 2,5%. Cũng theo báo cáo của Metric, mức doanh thu trong 1 tháng của TikTok Shop hiện tại đã tương đương 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki.

Đối với xếp hạng ngành giao thông vận tải, báo cáo của Reputa cho biết Grab là thương hiệu dẫn đầu bảng xếp hạng năm 2022 với Total Score đạt 11,41 - gấp 2 lần vị trí thứ 2 là Be.

Tuy nhiên, ở bảng xếp hạng ngành giao nhận thực phẩm và đồ uống, Grab chỉ xếp ở vị trí thứ 3 với Total Score đạt 3,25. Dẫn đầu ở bảng xếp hạng này là Shopee Food với Total Score đạt 8,14 - gấp 1.9 lần Be Food.

Có thể thấy, trong nhiều năm qua, ưu đãi giảm giá luôn là hoạt động chính của các sàn và cũng là yếu tố chính để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, ở bối cảnh hiện nay, thói quen mua sắm của người tiêu dùng ngày càng được phân hóa thành nhiều nhu cầu khác biệt nên việc tìm hiểu sâu hơn tâm lý và hành vi mua sắm của khách hàng là thật sự cần thiết.

Thống kê của Reputa cũng nhấn mạnh làm đẹp - sức khỏe là ngành hàng dẫn đầu về lượng thảo luận trong năm 2022. Ở hầu hết các khu vực và đặc biệt là 2 khu vực lớn là TP.HCM và Hà Nội, ngành “làm đẹp - sức khỏe” là ngành hàng dẫn đầu về lượng thảo luận trong năm 2022 với hơn 1.4 triệu thảo luận.

Cũng theo báo cáo của Metric về thị trường thương mại điện tử năm 2022, ngành hàng làm đẹp đạt doanh thu lớn nhất thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 với gần 22 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 16,3% tổng doanh thu thị trường thương mại điện tử. Theo sau là ngành thời trang nữ, nhà cửa – đời sống. Đây là những ngành hàng thiết yếu có tốc độ tiêu dùng nhanh, nhu cầu phát sinh từ người tiêu dùng tại tất cả thời điểm trong năm và sự đa dạng hàng hóa cao.

Giới chuyên gia nhận định tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng nhanh trong năm 2023. Với đà tăng trưởng 2 con số như hiện nay, đến năm 2025, quy mô thị trường được dự báo lên tới 49 tỷ USD, thậm chí, Google còn dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD.

Chủ đề