Bài tập tình huống luật cạnh tranh 2023

Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua ngày 3/12/2004 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2005. Qua hơn tám năm thi hành, Luật Cạnh tranh đã thể hiện vai trò nhất định trong việc đảm bảo trật tự thị trường lành mạnh. Tuy nhiên, việc thực thi Luật Cạnh tranh vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Trên thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ việc doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh nhưng số vụ việc được áp dụng Luật Cạnh tranh để xử lý lại rất ít. Trong số các vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh, có thể nói, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền thị trường là hiện tượng phổ biến và phức tạp nhất trong các vấn đề về cạnh tranh hiện nay ở Việt Nam. Đến nay, cơ quan có thẩm quyền mới thụ lý giải quyết ba vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền nhưng chỉ hai trong số ba vụ việc là đã có kết luận cuối cùng. Đó là vụ việc Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) lợi dụng vị trí là doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực cung ứng nhiên liệu hàng không ở Việt Nam đã đơn phương ngừng bán hàng cho Công ty cổ phần hàng không Pacific Airlines (PA), khiến PA phải hủy tất cả các chuyến bay trong ngày 1/4/2008 và vụ việc nhóm ba nhà mạng có vị trí thống lĩnh thị trường là Viettel, Vinaphone và Mobifone đồng loạt tuyên bố tăng giá gói cước 3G từ ngày 16/10/2013. Thực tiễn giải quyết hai vụ việc nêu trên đặt ra những vấn đề về việc áp dụng quy định của Luật Cạnh tranh trong giải quyết các vụ việc liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền.

Ảnh minh họa: nguồn internet

1. Vụ việc Vinapco

Trong vụ Vinapco, có ba hành vi cần được xem xét:

- Hành vi của Vinapco buộc PA chấp thuận mức giá cung ứng mới là 750.000 đồng/tấn trước ngày 31/3/2008, nếu không, Vinapco sẽ dừng cung ứng nhiên liệu cho mọi chuyến bay của PA cho đến khi PA chấp nhận.

- Hành vi của Vinapco ngừng cung cấp nhiên liệu cho các chuyến bay của PA trong ngày 1/4/2008.

- Hành vi của Vinapco áp đặt điều kiện thương mại (điều kiện về giá) khác nhau trong giao dịch như nhau (cùng cung ứng nguyên liệu hàng không nội địa) cho Vietnam Airlines (VNA) và PA.

Trên thực tế, theo hồ sơ vụ việc cạnh tranh số KNCT-HCCT0004, thụ lý ngày 06/01/2009, Vinapco bị điều tra vì đã thực hiện hai hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo Điều 14 của Luật Cạnh tranh là: Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng (theo khoản 2) và lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng (theo khoản 3).

Đối với hành vi áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng của doanh nghiệp độc quyền

Theo Điều 32 Nghị định 116/2005/NĐ-CP thì đây là hành vi buộc khách hàng phải chấp nhận vô điều kiện những nghĩa vụ gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng. Như vậy, có hai khía cạnh cần xác định khi phân tích hành vi này, đó là:

- Doanh nghiệp độc quyền có hành vi áp đặt vô điều kiện những nghĩa vụ. Tức là doanh nghiệp lợi dụng sức mạnh, quyền lực thị trường mà vị trí độc quyền mang lại để buộc khách hàng phải chấp nhận những nghĩa vụ mà doanh nghiệp độc quyền đặt ra. Những nghĩa vụ này không xuất phát từ sự thỏa thuận của hai bên mà xuất phát từ ý chí đơn phương của doanh nghiệp độc quyền. Khách hàng hầu như không có sự lựa chọn nào khác là phải chấp nhận điều kiện, nghĩa vụ mà doanh nghiệp độc quyền đặt ra.

- Những nghĩa vụ mà doanh nghiệp độc quyền đặt ra gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng. Và vì vậy, vấn đề phải hiểu ở đây là khách hàng đã buộc phải chấp nhận nghĩa vụ mà doanh nghiệp độc quyền đặt ra, việc chấp nhận (và thực hiện) những nghĩa vụ mà doanh nghiệp độc quyền đặt ra khiến cho khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Trong quá trình xử lý vụ việc, Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh (Hội đồng xử lý) đã phân tích hai nội dung để kết luận hành vi vi phạm của Vinapco là áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng của doanh nghiệp có vị trí độc quyền, cụ thể:

Ở nội dung thứ nhất, Hội đồng xử lý đã lập luận rằng: Hành vi của Vinapco là buộc PA chấp nhận vô điều kiện những nghĩa vụ. Dấu hiệu này được chứng minh bằng việc Vinapco đã dừng thương lượng với PA và đơn phương đặt thời hạn cuối cùng để buộc PA phải chấp nhận bằng văn bản mức phí cung ứng mới. Vinapco đã thực hiện lời đe dọa trong thông điệp gửi đến PA để buộc PA phải chấp nhận mức phí mới tức bằng cách ngừng cung cấp nhiên liệu bay cho PA từ 0h00 ngày 01/4/2008 cho đến khi nhận được chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải[1]. Lập luận của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đối với khía cạnh thứ nhất của hành vi là hợp lý. Rõ ràng Vinapco đã buộc PA phải chấp nhận mức phí cung ứng mới (750.000 đồng/tấn), mức phí này không phải là kết quả của quá trình thỏa thuận giữa hai bên mà được Vinapco đưa ra sau khi Vinapco đã dừng việc thương lượng với PA. Vinapco hiểu rõ sức mạnh thị trường mà vị trí độc quyền mang lại cho mình là sự phụ thuộc của PA vào việc cung ứng nhiên liệu từ phía Vinapco, nếu Vinapco ngừng cung ứng nhiên liệu cho PA, đồng nghĩa với việc PA sẽ không thể hoạt động. Bởi vậy Vinapco đã lợi dụng triệt để sức mạnh thị trường của mình khi đe dọa PA, nếu không chấp nhận mức phí mới thì Vinapco sẽ ngừng cung cấp nhiên liệu. Không tính đến hành vi thực tế ngừng cung cấp nhiên liệu bay cho PA trong ngày 01/4/2008 thì các hành vi nêu trên của Vinapco đã đủ để khẳng định là hành vi buộc khách hàng phải chấp nhận vô điều kiện những nghĩa vụ. Hành vi ngừng cung cấp nhiên liệu của Vinapco thực chất là đòn “trừng phạt” của Vinapco khi khách hàng không chịu chấp nhận những điều kiện mà Vinapco đặt ra.

Về khía cạnh thứ hai, để chứng minh những nghĩa vụ mà doanh nghiệp độc quyền áp đặt đối với khách hàng gây ra khó khăn cho khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng, Hội đồng xử lý cho rằng, mức giá 750.000 đồng/tấn mà Vinapco buộc PA chấp nhận là cao so với mức giá được đưa ra sau kết quả hiệp thương giá xăng dầu hàng không do Bộ Tài chính tổ chức (theo Công văn số 261/BT-BTC ngày 14/7/2008). Bên cạnh đó, việc Vinapco ngừng cung cấp nhiên liệu bay đã dẫn đến việc các chuyến bay của PA trong thời gian này bị chậm hoặc hủy chuyến[2]. Lập luận này của Hội đồng xử lý đã không bám sát logic của vấn đề bởi lẽ, nghĩa vụ mà Vinapco áp đặt cho khách hàng ở đây là chấp nhận mức phí cung ứng nhiên liệu là 750.000 đồng/tấn, do đó cần thiết phải chứng minh là việc chấp nhận mức giá mà Vinapco áp đặt đã gây khó khăn cho PA trong quá trình thực hiện hợp đồng chứ không phải đi xác định xem hành vi ngừng cung ứng nhiên liệu của Vinapco đã gây khó khăn gì cho PA trong quá trình thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, từ các tình tiết của vụ việc cho thấy, không có cơ sở để khẳng định rằng việc áp đặt mức giá của Vinapco đối với PA có gây khó khăn cho PA trong quá trình thực hiện hợp đồng hay không. PA đã không (hoặc có vẻ là không) chấp nhận mức giá mà Vinapco đưa ra khi không có văn bản trả lời trong thời hạn mà Vinapco ấn định, ngay sau đó Vinapco cũng đình chỉ thực hiện hợp đồng. Do đó, khi khách hàng không chấp nhận nghĩa vụ mà doanh nghiệp độc quyền áp đặt và hợp đồng không tiếp tục thực hiện thì không thể nói là nghĩa vụ mà doanh nghiệp độc quyền áp đặt gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Do đó, không thể kết luận là Vinapco có hành vi lạm dụng vị trí độc quyền để áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng.

Đối với hành vi lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng

Theo Điều 33 Nghị đinh 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh (Nghị định 116), hành vi lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng là hành vi của doanh nghiệp có vị trí độc quyền thực hiện dưới một trong các hình thức sau:

1. Đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã giao kết mà không cần thông báo trước cho khách hàng và không phải chịu biện pháp chế tài nào.

2. Đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã giao kết căn cứ vào một hoặc một số lý do không liên quan trực tiếp đến các điều kiện cần thiết để tiếp tục thực hiện đầy đủ hợp đồng và không phải chịu biện pháp chế tài nào.

Hội đồng xử lý cho rằng, hành vi của Vinapco có đủ các dấu hiệu để xác định có hành vi lạm dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã giao kết căn cứ vào một hoặc một số lý do không liên quan trực tiếp đến các điều kiện cần thiết để tiếp tục thực hiện đầy đủ hợp đồng và không phải chịu biện pháp chế tài nào (rơi vào hình thức vi phạm thứ hai trong hai hình thức nêu trên).

Để xác định hành vi này, cần làm rõ 3 dấu hiệu:

- Doanh nghiệp độc quyền đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết với khách hàng.

- Các lý do mà doanh nghiệp độc quyền đưa ra để làm căn cứ thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng với khách hàng không liên quan trực tiếp đến các điều kiện cần thiết để tiếp tục thực hiện đầy đủ hợp đồng.

- Sau khi doanh nghiệp độc quyền đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng với khách hàng, doanh nghiệp không phải chịu biện pháp chế tài nào.

Trong quá trình giải quyết, Hội đồng xử lý đã bám sát phân tích ba dấu hiệu nêu trên.

Về dấu hiệu thứ nhất, Vinapco có hành vi đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng giao kết bằng việc ngừng cung cấp nhiên liệu bay. Dấu hiệu này là quá rõ ràng, thậm chí việc Vinapco đơn phương dừng cung cấp nhiên liệu bay cho PA trong ngày 01/4/2008 không đơn giản là vấn đề trong quan hệ của hai doanh nghiệp mà nó còn gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của khoảng 5.000 hành khách bị lỡ chuyến trong các chuyến bay của PA trong ngày 01/4/2008.

Ở dấu hiệu thứ hai, Vinapco dựa vào lý do không liên quan trực tiếp đến các điều kiện cần thiết để tiếp tục thực hiện đầy đủ hợp đồng. Hội đồng xử lý cho rằng mức phí cung ứng là yếu tố không liên quan trực tiếp đến các điều kiện cần thiết để tiếp tục thực hiện đầy đủ hợp đồng bởi theo hợp đồng số 34/PA2008 chỉ duy nhất một trường hợp Vinapco có thể tạm ngừng việc thực hiện hợp đồng, đó là do PA chậm thanh toán. Cho đến ngày 01/4/2008, PA chưa hề chậm thanh toán cho Vinapco[3]. Lập luận của Hội đồng xử lý là phù hợp, bởi lẽ theo quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại, các bên trong quan hệ hợp đồng chỉ được đơn phương tạm ngừng, đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp đồng nếu xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng, đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp đồng hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng[4]. Trong vụ việc này, giữa Vinapco và PA đã có thỏa thuận về áp dụng hình thức tạm ngừng thực hiện hợp đồng trong trường hợp duy nhất là khi PA có hành vi chậm thanh toán quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bảng kê của Vinapco. Tình tiết vụ việc cũng cho thấy PA không có bất kỳ hành vi vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng nào. Do đó, việc Vinapco đưa ra lý do vì PA đã không chấp thuận mức phí mới mà Vinapco đưa ra, việc PA đã không có trả lời bằng văn bản trong thời hạn Vinapco ấn định trước mặc nhiên là điều kiện để Vinapco áp dụng việc dừng cung ứng nhiên liệu bay cho PA như đã nêu trong công văn gửi cho PA để yêu cầu chấp nhận mức phí mới, là không thể chấp nhận.

Ở dấu hiệu thứ ba, sau khi thực hiện hành vi tạm ngừng thực hiện hợp đồng ngày 01/4/2008, Vinapco chưa phải chịu bất kỳ biện pháp chế tài nào. Điều này cũng được đại diện của Vinapco thừa nhận tại phiên điều trần.

Như vậy, đã có đủ các căn cứ để xác định hành vi vi phạm của Vinapco, việc phân tích các dấu hiệu để đi đến kết luận của Hội đồng xử lý là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua vụ việc cho thấy, có một sự chưa rõ ràng trong việc xác định ranh giới giữa hành vi vi phạm theo Luật Thương mại và hành vi vi phạm theo Luật Cạnh tranh. Giả sử nếu hành vi đơn phương tạm ngừng thực hiện hợp đồng của Vinapco đã bị phía PA áp dụng các hình thức chế tài theo quy định của pháp luật đối với hợp đồng thương mại, thì phải chăng Vinapco sẽ không bị xử lý theo Luật Cạnh tranh (vì không thỏa mãn cấu thành doanh nghiệp không phải chịu biện pháp chế tài nào). Nếu như vậy, vẫn là một hành vi nhưng Vinapco có thể bị xử lý theo Luật Cạnh tranh hay chỉ đơn giản là một hành vi vi phạm hợp đồng và bị áp dụng các chế tài của Luật Thương mại là phụ thuộc vào việc PA có đưa ra yêu cầu và buộc Vinapco phải chịu các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng hay không. Điều này xem ra không phù hợp. Bên cạnh đó, rõ ràng các quy định của Luật Cạnh tranh trong tình huống này đã giới hạn quyền lựa chọn hành động của doanh nghiệp độc quyền. Bởi lẽ, khi PA không chấp nhận mức phí mới mà Vinapco đưa ra và việc đàm phán cứ kéo dài thì có thể Vinapco sẽ phải gánh chịu thiệt hại, nhưng kể cả trong trường hợp đó, Vinapco cũng không được phép tạm ngừng hoặc chấm dứt hợp đồng với PA.

Đối với hành vi đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh

Theo Điều 29 Nghị định 116, áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong điều kiện giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh là hành vi phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp về điều kiện mua, bán, giá cả, thời hạn thanh toán, số lượng trong những giao dịch mua, bán hàng hóa, dịch vụ tương tự về mặt giá trị hoặc tính chất hàng hoá, dịch vụ để đặt một hoặc một số doanh nghiệp vào vị trí cạnh tranh có lợi hơn so với doanh nghiệp khác.

Theo quy định nêu trên, để xác định hành vi này cần làm rõ:

- Doanh nghiệp thống lĩnh đã áp đặt các điều kiện mua, bán khác nhau, giá cả khác nhau, thời hạn thanh toán, số lượng hàng hóa khác nhau đối với những giao dịch tương tự nhau về mặt giá trị hoặc tính chất hàng hóa, dịch vụ.

- Nhằm đặt một hoặc một số doanh nghiệp vào vị trí cạnh tranh có lợi hơn so với doanh nghiệp khác.

Qua tình tiết vụ việc cho thấy hành vi của Vinapco đã thỏa mãn các dấu hiệu nêu trên:

- Vinapco cùng thực hiện việc cung ứng nhiên liệu hàng không cho cả VNA và PA, có nghĩa là giao dịch mà Vinapco thực hiện với VNA và PA là cùng tính chất. Tuy nhiên, trong khi viện dẫn lý do chi phí nhiên liệu tăng để điều chỉnh mức phí cung ứng nhiên liệu thì Vinapco lại chỉ điều chỉnh tăng cao đối với PA, trong khi VNA vẫn được hưởng giá thấp. Điều này cho thấy Vinapco có sự phân biệt đối xử giữa PA và VNA, áp đặt giá cả khác nhau cho PA và VNA đối với giao dịch có cùng tính chất. 

- Việc Vinapco áp đặt giá khác nhau cho PA và VNA trong khi PA và VNA đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau trên thị trường vận chuyển hành khách bằng máy bay, lại đặt trong bối cảnh Vinapco là công ty “con” của VNA thì không thể không nghĩ đến hành vi của Vinapco nhằm đặt VNA vào vị trí cạnh tranh có lợi hơn PA. Quá trình thương lượng với Vinapco, PA cũng thể hiện quan điểm thừa nhận việc tăng phí cung ứng khi chi phí nhiên liệu tăng là hợp lý, nhưng yêu cầu phí cung ứng phải bình đẳng giữa các hãng hàng không nội địa. Điều này cho thấy việc PA từ chối mức giá mà Vinapco đưa ra không phải vì nó quá cao hay bất hợp lý, mà chủ yếu vì PA thấy việc áp đặt giá như vậy sẽ tạo ra sự không bình đẳng trong cạnh tranh giữa PA và VNA.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền đã không xem xét phân tích hành vi của Vinapco áp đặt điều kiện thương mại (điều kiện về giá) khác nhau trong giao dịch như nhau (cùng cung ứng nguyên liệu hàng không nội địa) cho VNA và PA. Điều này cho thấy những thiếu sót nhất định trong quá trình xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh đầu tiên có liên quan đến lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.  

2. Vụ việc ba nhà mạng Vinaphone, Mobifone và Viettel đồng loạt tăng giá cước 3G

Liên quan đến việc ba doanh nghiệp viễn thông lớn gồm MobiFone, Viettel và VinaPhone điều chỉnh giá cước dịch vụ truy cập Internet qua mạng di động 3G từ ngày 16/10/2013, trước phản ánh của dư luận, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương đã tiến hành thu thập, đánh giá các thông tin, tài liệu để xác minh sự việc. Việc xác minh của cơ quan có thẩm quyền xoay quanh hai nội dung:

(i) Có hay không việc các nhà mạng thỏa thuận tăng giá cước vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Cạnh tranh về thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp?

(ii) Hành vi tăng giá cước của các nhà mạng có phải là lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường áp đặt giá bán dịch vụ một cách bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng, vi phạm khoản 2 Điều 13 Luật Cạnh tranh?

Chúng tôi sẽ phân tích việc áp dụng các quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của Luật Cạnh tranh để xác định hành vi của ba nhà mạng có phải là lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để áp đặt giá bán dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng.

Để có thể kết luận việc ba nhà mạng đồng thời tăng giá dịch vụ 3G là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để áp đặt giá bán hàng hóa dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng, cần chứng minh nhóm ba doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường và hành vi của ba doanh nghiệp thực hiện thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành của hành vi áp đặt giá bán dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng theo quy định của khoản 2 Điều 27 Nghị định 116.

Đối với nội dung thứ nhất, căn cứ vào kết quả xác minh, thu thập thông tin về thị trường và thị phần, căn cứ vào quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 11 Luật Cạnh tranh, cơ quan có thẩm quyền đã xác định ba doanh nghiệp Viettel, Vinaphone và Mobifone là nhóm doanh nghiệp thống lĩnh trên thị trường dịch vụ dữ liệu 3G. Tuy nhiên, đối với nội dung thứ hai, cơ quan có thẩm quyền đã kết luận là chưa có đủ căn cứ để coi đây là hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Theo khoản 2, Điều 27 Nghị định 116, hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ được coi là bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng nếu cầu về hàng hóa, dịch vụ không tăng đột biến tới mức vượt quá công suất thiết kế hoặc năng lực sản xuất của doanh nghiệp và thỏa mãn hai điều kiện:

- Giá bán lẻ trung bình tại cùng thị trường liên quan trong thời gian tối thiểu 60 ngày liên tiếp được đặt ra tăng một lần vượt quá 5%; hoặc tăng nhiều lần với tổng mức tăng vượt quá 5% so với giá đã bán trước khoảng thời gian tối thiểu đó;

- Không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất của hàng hóa, dịch vụ đó vượt quá 5% trong thời gian tối thiểu 60 ngày liên tiếp trước khi bắt đầu tăng giá.

Như vậy, để xác định hành vi này, cơ quan có thẩm quyền cần chứng minh các dấu hiệu sau đây:

- Có hiện tượng giá bán lẻ trung bình của hàng hóa, dịch vụ trên cùng thị trường liên quan tăng vượt quá mức 5% so với trước đó trong 60 ngày liên tiếp.

- Cầu về hàng hóa, dịch vụ không tăng đột biến tới mức vượt quá công suất thiết kế hoặc năng lực sản xuất của doanh nghiệp, tức là chứng minh việc tăng giá của doanh nghiệp không phải là hệ quả tác động của quy luật cung - cầu và giá cả, không dựa trên những quy luật, cơ sở kinh tế hợp lý.

- Không tồn tại các biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất của hàng hóa, dịch vụ đó lên quá 5% trong thời gian tối thiểu 60 ngày liên tiếp trước khi có hiện tượng tăng giá.

Căn cứ vào quy định, có thể hiểu ngược lại, việc tăng giá bán, hàng hóa, dịch vụ không bị coi là bất hợp lý, có thể chấp nhận được nếu:

- Giá bán lẻ trung bình của hàng hóa, dịch vụ trên cùng thị trường liên quan tăng nhưng không vượt quá mức 5% trong mọi trường hợp, hoặc

- Có sự tăng đột biến cầu về hàng hóa, dịch vụ tới mức vượt quá công suất thiết kế hoặc năng lực sản xuất của doanh nghiệp, trong trường hợp này mức tăng giá của doanh nghiệp sẽ không bị khống chế (doanh nghiệp có thể tăng giá vượt quá mức 5%), hoặc

- Tồn tại những biến động bất thường làm tăng chi phí sản xuất của hàng hóa, dịch vụ lên quá 5%, trong trường hợp này doanh nghiệp cũng được tăng giá bán mà không bị khống chế mức tăng.

Căn cứ vào kết quả xác minh của Cục Quản lý cạnh tranh công bố ngày 27/12/2013 cho thấy, cơ quan có thẩm quyền đã xem xét ba yếu tố để xác định dấu hiệu về hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng, cụ thể:

- Về dấu hiệu mức độ tăng giá cước, Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định có sự tăng giá cước trung bình khoảng 20%, vượt quá mức 5% theo quy định, nhưng Cục cũng lý giải thêm là việc điều chỉnh giá là thực hiện theo chủ trương, định hướng điều chỉnh giá cước viễn thông theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu và được sự phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông. Phần lý giải thêm của cơ quan quản lý cạnh tranh gợi lên suy nghĩ về một vấn đề, là Luật Cạnh tranh có cho phép sự ứng xử khác đối với doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp tăng giá vượt quá mức cho phép theo quy định của Luật Cạnh tranh, nhưng phù hợp với chủ trương, quyết định và được sự cho phép của cơ quan nhà nước về ngành, lĩnh vực hay không?

- Về biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất, trên cơ sở phân tích báo cáo giá thành của ba nhà mạng đã được Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận, Cục quản lý cạnh tranh kết luận không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất dịch vụ dữ liệu 3G vượt quá mức 5% theo quy định tại điểm b, khoản 2 điều 27 Nghị đinh 116.

- Về quan hệ cung cầu trên thị trường, căn cứ vào báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu thông tin di động 3G của Bộ Thông tin và Truyền thông tại công văn số 3304/BTTTT-CVT ngày 06/11/2013, tính đến tháng 9/2013, số thuê bao của ba doanh nghiệp liên quan đạt 18,9 triệu thuê bao, đồng thời dung lượng cũng tăng mạnh, vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới.

Như vậy, trong ba dấu hiệu để xác định nhóm doanh nghiệp có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng, thì hành vi của nhóm ba doanh nghiệp viễn thông mới thỏa mãn hai dấu hiệu (có hiện tượng tăng giá vượt quá 5% theo quy định, không tồn tại biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất của hàng hóa, dịch vụ) tuy nhiên, dấu hiệu cầu về hàng hóa, dịch vụ không tăng đột biến thì không thỏa mãn. Do đó, Cục Quản lý cạnh tranh kết luận, chưa đủ cơ sở để coi đây là hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng theo quy định của pháp luật cạnh tranh[5]. Kết luận này cho thấy, để xác định hành vi vi phạm của doanh nghiệp trong trường hợp này đòi hỏi phải thỏa mãn cả ba dấu hiệu, chỉ cần một trong ba dấu hiệu không thỏa mãn thì dù việc tăng giá của doanh nghiệp có cao đến mấy cũng không bị coi là vi phạm. Với vụ việc này, mức tăng giá cước trung bình là 20% (vượt quá mức 5% theo quy định) nhưng giả sử mức tăng giá cước trung bình mà ba doanh nghiệp viễn thông đưa ra không phải chỉ là 20%, mà là 50% hoặc thậm chí hơn nữa, thì chỉ cần chỉ ra là có tồn tại một trong hai dấu hiệu hoặc là có sự biến động bất thường của thị trường làm tăng giá thành sản xuất của hàng hóa, dịch vụ quá 5% hoặc có biến động về quan hệ cung cầu trên thị trường thì việc tăng giá đó cũng không bị coi là vi phạm pháp luật cạnh tranh. 

Việc áp dụng quy định của Luật Cạnh tranh trong giải quyết vụ việc tăng giá cước 3G cho thấy một lỗ hổng của Luật Cạnh tranh. Trong khi Luật Cạnh tranh quy định nếu không có biến động về quan hệ cung cầu trên thị trường, không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ quá 5% thì không cho phép các doanh nghiệp thống lĩnh tăng giá bán trung bình của hàng hóa, dịch vụ quá 5%, nhưng ngược lại, nếu chỉ cần xảy ra một trong hai trường hợp có biến động về quan hệ cung - cầu, hoặc có biến động thị trường làm tăng giá thành sản xuất lên quá 5% thì các doanh nghiệp lại được thoải mái tăng giá mà không bị Luật Cạnh tranh điều chỉnh. Đó là lý do tại sao kết luận của Cục Quản lý cạnh tranh, mặc dù dựa trên những căn cứ xác đáng của pháp luật (với giả thiết là các số liệu, tài liệu liên quan đủ tính tin cậy) nhưng vẫn không thỏa mãn được dư luận.

Vụ việc tăng giá cước 3G đặt ra một vấn đề là, kể cả trong trường hợp nếu có biến động về quan hệ cung cầu, hoặc có biến động làm tăng chi phí sản xuất hàng hóa, dịch vụ lên quá 5% thì doanh nghiệp được phép tăng giá hàng hóa, dịch vụ vượt quá 5% nhưng cần phải có nguyên tắc xác định giới hạn rõ ràng như thế nào là tăng hợp lý, như thế nào là áp đặt mức tăng bất hợp lý.

3. Kiến nghị

Qua việc phân tích các vụ việc nêu trên, chúng tôi xin nêu một số ý kiến liên quan đến việc áp dụng và hoàn thiện các quy định của Luật Cạnh tranh về điều chỉnh hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền thị trường như sau:

Thứ nhất, trong thực tiễn, hành vi lạm dụng của doanh nghiệp thống lĩnh, doanh nghiệp độc quyền rất phức tạp. Các hành vi vi phạm không phải được thực hiện một cách riêng lẻ, độc lập mà thường đi kèm với những hành vi khác như là một phản ứng có tính chất dây chuyền hoặc nhằm củng cố cho hành vi vi phạm. Bởi vậy, cơ quan cạnh tranh cần thận trọng trong việc bóc tách để xác định chính xác hành vi thỏa mãn cấu thành sự vi phạm.

Thứ hai, như đã phân tích ở trên, vẫn là một hành vi đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng (theo khoản 2 Điều 33 Nghị định 116), doanh nghiệp độc quyền có thể bị xử lý theo Luật Cạnh tranh hay chỉ đơn giản là một hành vi vi phạm hợp đồng và bị áp dụng các chế tài của Luật Thương mại là phụ thuộc vào việc bên bị vi phạm có đưa ra yêu cầu và buộc doanh nghiệp độc quyền phải chịu các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng hay không. Vấn đề này cần phải được nghiên cứu và quy định lại cho phù hợp. Cũng liên quan đến hành vi này, cần quy định rõ thế nào là “các điều kiện cần thiết để tiếp tục thực hiện đầy đủ hợp đồng” và nên chăng, cần nghiên cứu quy định các trường hợp miễn trừ trách nhiệm khi doanh nghiệp độc quyền đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng do việc tiếp tục thực hiện hợp đồng đã giao kết mang lại thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp độc quyền.

Thứ ba, đối với hành vi đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh (khoản 4 Điều 13 Luật Cạnh tranh 2004), rõ ràng quy định của Luật Cạnh tranh đã tạo áp lực cho các bên liên quan phải chứng minh được mục đích của bên vi phạm khi thực hiện hành vi là nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh. Điều này là không hề đơn giản. Do đó, Luật Cạnh tranh cần quy định các dấu hiệu cụ thể để dùng làm căn cứ xác định mục đích của doanh nghiệp thống lĩnh khi thực hiện hành vi có phải là nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh hay không.

Thứ tư, liên quan đến quy định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường áp đặt giá bán dịch vụ một cách bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng (khoản 2 Điều 13 Luật Cạnh tranh) cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng bổ sung thêm quy định về ấn định giá để thu lợi quá mức (excessive pricing). Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bị coi là ấn định giá bán hàng hóa dịch vụ một cách bất hợp lý nếu tăng giá bán quá 5% trong khi không có biến động làm tăng chi phí sản xuất quá 5%, hoặc không có biến động bất thường về quan hệ cung cầu tới mức vượt quá công suất thiết kế hoặc năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc nếu có biến động làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp quá 5% hoặc có biến động bất thường về quan hệ cung cầu tới mức vượt quá công suất thiết kế hoặc năng lực sản xuất của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp thống lĩnh có thể tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ thoải mái mà không lo bị xử lý. Bởi vậy, Việt Nam cần sớm nghiên cứu để mở rộng phạm vi áp dụng đối với hành vi ấn định giá bán hàng hóa dịch vụ một cách bất hợp lý để kể cả trong trường hợp có sự gia tăng chi phí sản xuất lên quá 5% hoặc có biến động về quan hệ cung cầu thì doanh nghiệp thống lĩnh cũng không thể tăng giá một cách vô tội vạ mà không bị xử lý./.

[1] Quyết định số 11/QĐ-HĐXL ngày 14/4/2009 của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh về việc xử lý vụ Công ty xăng dầu Hàng không Việt Nam ngừng cung cấp nhiên liệu cho Công ty cổ phần Hàng không Jestar Pacific Airlines, tr. 18-19.

[2] Nguyễn Ngọc Sơn, Một số bình luận từ thực tiễn giải quyết vụ việc về hành vi hạn chế cạnh tranh, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 1/2010.

[3] Nguyễn Ngọc Sơn, Một số bình luận từ thực tiễn giải quyết vụ việc về hành vi hạn chế cạnh tranh, Tlđd.

[4] Xem các Điều 308, 310, 312 Luật Thương mại 2005.

[5] Thông cáo báo chí của Cục Quản lý cạnh tranh ngày 27/12/2013 về kết quả xác minh các dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh của ba doanh nghiệp viễn thông trong đợt điều chỉnh cước dịch vụ dữ liệu 3G từ ngày 16/10/2013.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 6(262), tháng 3/2014)

Chủ đề