Bác sĩ alexandre yersin dược chôn tư thế nào năm 2024

Mộ bác sĩ Alexandre Yersin nằm trên một ngọn đồi nhỏ gần Trại chăn nuôi Suối Dầu (xã Suối Cát, H.Cam Lâm, Khánh Hòa), cách TP.Nha Trang khoảng 20 km. Du khách đến đây để hiểu thêm về cuộc đời một nhà bác học, nhà nhân văn lớn của loài người.

Bác sĩ alexandre yersin dược chôn tư thế nào năm 2024

Mộ bác sĩ Yersin - Ảnh: Nguyễn Chung

A.Yersin sinh ngày 22.9.1863 tại Thụy Sĩ. Ông được biết đến là người đầu tiên tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch và điều chế thành công huyết thanh để điều trị căn bệnh này. Ông cũng là người tìm ra độc tố bệnh bạch hầu, có công lớn trong việc di thực cây cao su và cây canh-ki-na vào Việt Nam và sáng lập trường Đại học Y khoa Hà Nội, Viện Pasteur Nha Trang… Là nhân vật lừng danh thế giới, nhưng Yersin lại có lối sống bình dị, trái tim nhân ái. Chính vì thế mà khi vĩnh viễn ra đi (ngày 1.3.1943), Yersin để lại trong lòng người dân nơi ông gắn bó là xóm Cồn, Nha Trang, cũng như cả tỉnh Khánh Hòa niềm thương tiếc khôn nguôi. Nhà thơ Quách Tấn từng viết trong cuốn Xứ Trầm Hương: “Tuy là người ngoại quốc, nhưng Yersin sống ở Nha Trang gần 50 năm và lấy Khánh Hòa làm nơi “sống gởi nạc thác gởi xương”. Tình thâm, đức hậu của ông, khiến người Khánh Hòa luôn luôn nhớ đến công ơn”.

Đi dọc QL1, qua địa phận xã Suối Cát, du khách sẽ thấy tấm biển với dòng chữ “Khu mộ bác sĩ Yersin”. Từ đây, theo con đường mòn rẽ vào khoảng 1.000 m là đến mộ. Khu mộ bác sĩ nằm trên một ngọn đồi nhỏ, lối lên với những bậc đá lượn hình cánh cung. Mộ khá đơn sơ, nằm tĩnh lặng dưới những vòm cây xanh ngát. Du khách chưa có dịp tìm hiểu nhiều về cuộc đời và sự nghiệp Yersin, có thể tham khảo bảng tóm tắt tiểu sử được khắc trên tấm bia đá, với hai thứ tiếng Việt và Pháp, dựng cạnh phần mộ. Gần đó còn có một am thờ được thiết kế nhỏ nhắn, để du khách đến đây thắp hương tưởng nhớ một nhân cách lớn. Khu mộ được xây dựng ngày 3.3.1943. Qua thời gian, mộ bị xuống cấp. Sau năm 1975, nhân dân Khánh Hòa đã tôn tạo lại mộ của ông như hiện nay.

Theo nhiều tài liệu viết về bác sĩ Yersin, đến 1 giờ ngày 1.3.1943, những giây phút cuối đời, bác sĩ âu yếm nhìn những người đứng chung quanh giường bệnh, nói một tiếng “vĩnh biệt” rồi nhắm mắt. Khi hay tin ông trút hơi thở cuối cùng, đông đảo người dân Nha Trang đeo khăn tang đến viếng ông với lòng tiếc thương vô hạn; nhiều người dân xóm Cồn đang đi biển liền kéo nhau trở về. Ngày 3.3.1943, lễ tang Yersin được cử hành. Đông đảo người dân, từ ông già, bà cả đến người lớn, con nít, đều đến khóc thương, xếp thành hàng dài tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Người dân càng kính trọng ông hơn khi biết trong di chúc để lại, Yersin viết đám tang ông phải được tổ chức thật giản dị, không điếu văn, điếu từ gì cả. Khi chôn cất, ông xin được nằm úp mặt, hai tay dang ra, để được ôm trọn mảnh đất không phải nơi chôn nhau cắt rốn nhưng ông đã nặng tình, không thể chia xa.

Khu mộ bác sĩ Yersin đã trở thành một di tích lịch sử quốc gia, được giữ gìn, tôn tạo để chào đón du khách dừng chân thăm viếng, với niềm tôn kính và ngưỡng vọng về một nhà khoa học đã cống hiến cả cuộc đời cho việc cứu người.

Những kỷ vật của ông còn lại, viện Pasteur Nha Trang đã trân trọng giữ gìn. Chiếc giường, ghế xích-đu, bàn làm việc, ghế ngồi, tủ sách, kính hiển vi, kính viễn vọng, đều được trưng bày trong viện Bảo Tàng Nha Trang.

Alexandre Yersin sinh ngày 22.9.1863 tại một vùng quê miền núi ở Lavaux (Bang Vaud, Thụy Sĩ). Nhà khoa học người Pháp, gốc Thụy Sĩ đã từng coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình đã ra đi hơn nửa thế kỷ, nhưng những công trình nghiên cứu khoa học, những đóng góp cho lĩnh vực y học, lĩnh vực nông nghiệp, địa chất của ông đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn mãi mãi trường tồn với thời gian

Năm 1890, lần đầu tiên đặt chân lên xứ sở Đông Dương, chàng trai Yersin vừa tròn 27 tuổi. Thời gian trước đó, Yersin đã tốt nghiệp trường Y. Ông đã từng làm việc trong phòng thí nghiệm của Louis Pasteur, tại Trường Đại học Sư phạm Paris. Tại đây, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Y khoa với đề tài "Étude sur le Développement du Tubercule Expérimental".

Ngay từ những ngày ấy, ông đã trở nên nổi tiếng với các công trình khoa học về nghiên cứu phát triển huyết thanh ngừa bệnh dại, về trực khuẩn bạch cầu và độc tố. Năm 1889, Yersin đã giành Huy chương Đồng của Khoa Y học Paris. Một tương lai rạng rỡ đang mở ra trước mắt chàng trai trẻ tuổi này. Ngoài đam mê cháy bỏng khám phá trong Y học, Yersin còn có ham muốn khám phá thiên nhiên. Lòng say mê ấy đã thôi thúc thoát khỏi sự bó buộc của phòng thí nghiệm. Thế rồi, với cương vị là một bác sĩ trên con tàu vận tải, ông đã thực hiện chuyến hành trình dài ngày thẳng hướng Viễn Đông. Năm 1892, ông đã đến Nha Trang, Việt Nam - vùng đất khí hậu nhiệt đới đầy bí ẩn và hấp dẫn mà trước đó ông chỉ được biết qua sách vở, bản đồ. Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng đầy quyến rũ, cùng với tấm lòng chân thành, gần gũi của người dân đã khiến người bác sĩ trẻ tuổi Yersin có một tình cảm đặc biệt, một tình yêu mãnh liệt đối với xứ biển này. Để rồi phần lớn gần 50 năm sau đó, ông đã sống, làm việc và gắn bó với con người và mảnh đất nơi đây.

Giờ đây không chỉ người dân Việt Nam mà rất nhiều khách du lịch quốc tế đã quen thuộc với một địa danh nổi tiếng, đó là cao nguyên Lang Biang và thành phố Đà Lạt. Tuy vậy, hầu như mọi người không mấy ai biết rằng các địa danh trên đã gắn liền với tên tuổi của nhà thám hiểm, bác sĩ Yersin. Thực ra trước ông, đã có nhà thám hiểm Nguyễn Thông (1827 - 1884), hai nhà thám hiểm người Pháp là Paul Néis và Albert Saptens đã từng có mặt ở đây. Tuy nhiên, sự hiện diện của họ đã không để lại một dấu ấn gì. Trong chuyến thám hiểm đầy khó khăn, gian khổ kéo dài 7 tháng, Yersin đã vượt qua các chặng đường từ Sài Gòn đi Phan Thiết, băng qua vùng núi đầy hiểm trở Tánh Linh, Phan Rí, Phan Rang... để rồi dừng chân ở mảnh đất đầy thơ mộng Đà Lạt. Đến năm 1897, chính ông lại là người đề xuất với Toàn quyền Đông Dương, Paul Dumer, chọn nơi này làm điểm xây dựng trạm điều dưỡng. Sau đó, bằng chuyến đi lên cao nguyên với vị Toàn quyền Đông Dương, ông đã tham gia quyết định việc thành lập trạm điều dưỡng trên cao nguyên Lang Biang - tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này.

Dù ở nơi đâu hay bất cứ ở cương vị nào, Yersin luôn miệt mài, nghiên cứu với tinh thần say mê tìm hiểu, khao khát khám phá tìm đến chân trời khoa học. Năm 1894, theo yêu cầu của Chính phủ Pháp và Viện Pasteur, Yersin tới Hồng Kông để nghiên cứu bệnh dịch hạch. Với kiến thức được trang bị và tích lũy trong thời gian làm việc ở Viện Pasteur, Yersin đã nhanh chóng phân lập thành công trực khuẩn gây bệnh. Ông là người đầu tiên chứng minh được sự tương đồng giữa bệnh ở người và bệnh ở chuột, cũng như việc tìm ra tác nhân gây bệnh, cách giải thích phương thức truyền bệnh. Vi trùng dịch hạch, huyết thanh trị bệnh dịch này đã được Yersin phát hiện ra, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn dịch hạch đang lan rộng ở Hồng Kông. Lại một sự thành công nữa khiến Yersin trở thành người có tên tuổi trong làng y học thế giới. Cùng năm đó, Yersin đã gửi những ống nghiệm đựng trực trùng mang tên Yersin (Yersinis Pestis) đến Viện Pasteur Paris, đồng thời bản báo cáo nghiên cứu về dịch hạch ở Hồng Kông của Yersin cũng đã được gửi đến Viện Hàn lâm Khoa học Pháp và được đánh giá cao. Sau đó, Yersin được cử đến một đảo nhỏ Nossi - Bé, gần Mađagatxa để tập trung nghiên cứu kỹ những người mắc chứng sốt vàng da đái ra máu.

Không hiểu có phải vì duyên phận với mảnh đất hình chữ S đầy quyến rũ, với những tấm lòng nhân hậu, nồng ấm của người Việt Nam mà Yersin đã sớm rời khỏi Mađagatxa để trở lại Nha Trang. Tại đây, Yersin đã cho lập một phòng thí nghiệm nhỏ để điều chế huyết thanh chữa bệnh dịch hạch. Ông trở thành người sáng lập và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Pasteur Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Viện Pasteur Nha Trang). Để phục vụ cho công tác nghiên cứu, ông đã cho xây dựng tại đây một trại chăn nuôi gia súc. Những năm tháng miệt mài nghiên cứu tại Viện Pasteur Paris đã củng cố và trang bị cho Yersin những kiến thức chuyên môn vững vàng, sự tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu.

Đến năm 1902 - 1904, theo yêu cầu của Toàn quyền Đông Dương Paul Dumer, Yersin ra Hà Nội để thành lập và điều hành Trường Y - Dược Đông Dương tại Hà Nội - một cơ sở đào tạo Y khoa đầu tiên của bán đảo Đông Dương xây dựng theo mô hình của phương Tây. Trong những năm tháng đầu đầy gian khó đó, Yersin đã hoạt động tích cực để thành lập Đại học Y - Dược và trở thành hiệu trưởng đầu tiên của Trường (một thành viên của Đại học Đông Dương năm 1906, sau này trở thành trường Đại học Y Hà Nội).

Với những đóng góp và cống hiến của ông cho lĩnh vực y học, năm 1904, Yersin được cử làm đại diện của Viện Pasteur Paris tại Đông Dương và Giám đốc Viện Pasteur Sài Gòn và Nha Trang. Ông còn đảm nhận rất nhiều chức vụ quan trọng trong lĩnh vực Y tế như Chánh thanh tra danh dự các Viện Pasteur ở Đông Dương, thành viên Hội Bệnh học, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học, chuyên ngành Y - Giải phẫu, thành viên chính thức của Hội đồng Khoa học của Viện Pasteur, Viện trưởng danh dự của Viện Pasteur. Ông được nhận giải thưởng Lecomte của Viện Hàn lâm khoa học (năm 1927).

Những tháng ngày tiếp đó, Yersin vẫn không ngừng say sưa với sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình trên mảnh đất Nha Trang. Người ta không chỉ biết đến Yersin với tư cách là một bác sĩ đầu tiên tìm ra vi khuẩn dịch hạch, người thám hiểm ra cao nguyên Lang Biang, khai sinh ra Đà Lạt, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y - Dược Đông Dương mà còn biết đến ông bởi những đóng góp to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Giờ đây chúng ta đi dọc theo dải đất miền Trung từ Phan Rang, Phan Thiết, Bình Thuận, Ninh Thuận... sẽ thấy ngút ngàn, xanh ngắt những cánh rừng cao su trải dài tới tận chân trời. Có được những cánh rừng đó, có được một Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về sản lượng cao su tự nhiên như ngày hôm nay, đó là nhờ công lao của người đã nhập cây cao su từ Brazil vào trồng ở Việt Nam - Yersin! Không chỉ nhập cây về, ông còn đặc biệt quan tâm đến phương pháp trồng, khai thác và chế biến cao su sao cho có hiệu quả cao nhất. Ông đã thiết lập một phòng thí nghiệm nông hóa. Tại đây, những biện pháp chọn giống, những thao tác cạo mủ và làm đông cao su đã được nghiên cứu một cách có hệ thống. Nhờ đó, người trồng cao su ở Đông Dương không còn phải vất vả như trước nữa.

Năm 1940, do tình hình sức khỏe giảm sút, Yersin trở về Pháp - quê hương của mình lần cuối. Sau đó, ông lại trở về ngôi nhà thân thương ở Nha Trang. Tại đây, ông đã sống những ngày cuối đời và trút hơi thở cuối cùng vào đầu năm 1943. Theo ước nguyện của ông, khi khâm liệm, người ta đặt ông nằm sấp, đầu quay ra biển để ông mãi mãi ôm lấy mảnh đất quê hương thứ hai của mình.

Là một nhà khoa học lớn nhưng với đức tính khiêm nhường, gần gũi với mọi người xung quanh, Yersin là một tấm gương sáng về lòng say mê khoa học, say mê tìm tòi nghiên cứu, khám phá những mảnh đất mới lạ. Nhân dân thế giới, Việt Nam biết ơn ông, ngưỡng mộ trước những cống hiến to lớn mà ông dành trọn đời phấn đấu. Vẫn còn đó con đường Yersin ở thành phố Nha Trang! Vẫn còn đó con đường Y-éc-xanh ở thành phố Hà Nội!