Anh hùng lực lượng vũ trang tô văn đực

đồng chí là tổ trưởng tổ sản xuất và sửa chữa vũ khí xã Nhuận Đức, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Anh hùng Tô Văn Đực

Tháng 2 năm 1962, Tô Văn Đực được phân công phụ trách công xưởng của xã. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước”, đồng chí kiên trì, nhẫn nại khắc phục rất nhiều khó khăn của những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ. Với cái bễ lò rèn và dăm cái giũa, Tô Văn Đực đã lập được thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu và sản xuất, chế tạo vũ khí diệt địch. Chỉ với những đồ dùng thô sơ, đồng chí đã làm được cả súng trường, súng ngắn và đặc biệt đã chế tạo ra nhiều loại mìn chống tăng có hiệu quả lớn, giải quyết một phần khó khăn về thiếu vũ khí và góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua diệt Mỹ trên đất thép Củ Chi. Ngoài ra, Tô Văn Đực còn dũng cảm chiến đấu phá hủy 13 xe M.113, diệt 32 tên Mỹ.

Lúc mới thành lập công xưởng, đồng chí chỉ mò mẫm sửa chữa các loại súng bị hỏng hóc ở các nơi gửi về. Sau nhiều lần nghiên cứu, sản xuất thử, Tô Văn Đực sản xuất thành công được hàng chục khẩu súng trường phục vụ kịp thời cho dân quân và bộ đội chiến đấu.

Đầu năm 1965, địch ném bom xuống ấp Bầu Trong, trong đó có 13 quả chưa nổ; tuy chưa biết cách tháo gỡ, đồng chí vẫn một mình dũng cảm, xung phong tìm cách gỡ thử. Tô Văn Đực đã nghiên cứu tháo được quả đầu tiên, sau đó hướng dẫn cho anh em tháo hết 12 quả khác, lấy thuốc đem về chế tạo mìn đánh địch.

Sản xuất mìn và lựu đạn cũng là công việc mới và khó, đồng chí đã kiên trì và dũng cảm, một mình ra chỗ vắng tháo các quả mìn và lựu đạn ra nghiên cứu, sau đó làm thử. Vừa làm, vừa trực tiếp mang đi đánh địch để nghiên cứu bổ sung, cuối cùng Tô Văn Đực đã cùng anh em sản xuất được nhiều loại mìn chống tăng, như: Mìn gài, mìn giật.

Anh hùng Tô Văn Đực tại xưởng sửa chữa vũ khí

Năm 1966, bọn Mỹ liên tục dùng xe cơ giới đánh phá vào vùng giải phóng. Tô Văn Đực cùng anh em dũng cảm đánh chặn xe cơ giới, phá vỡ nhiều cuộc càn của địch. Qua thực tế chiến đấu đánh xe cơ giới của địch, đồng chí đã suy nghĩ và nghiên cứu cải tiến mìn chập điện thành loại mìn gài, rồi từ mìn gài cải tạo thành loại mìn gạt áp dụng đánh xe cơ giới địch có sức công phá lớn. Thành công của đồng chí được phổ biến rộng rãi và áp dụng trong toàn quân khu, góp phần thúc đẩy phong trào du kích chiến tranh ở địa phương tiến lên một bước mới.

Trong khi nghiên cứu và đi đánh thử để rút kinh nghiệm, Tô Văn Đực đã hai lần bị thương, nhưng không hề nản chí. Đồng chí luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự lực khắc phục khó khăn, đoàn kết, dìu đắt đồng đội, cùng nhau chung sức hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Tô Văn Đực luôn chú trọng xây dựng và phát triển công xưởng lớn mạnh toàn diện, đáp ứng kịp thời các yêu cầu phục vụ cho chiến đấu, được cấp trên tin tưởng, đồng đội mến phục.

Tô Văn Đực đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, 2 năm liền (1965 - 1966) là Chiến sĩ thi đua.

Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Tô Văn Đực được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng khi mới 25 tuổi.

Cho đến khi hòa bình lập lại, Anh hùng Tô Văn Đực tiếp tục có những cống hiến ở lĩnh vực kỹ thuật quân sự, trong vai trò là Phó Chủ nhiệm kỹ thuật Quân khu 7. Giờ đây khi đã gác lại việc nhà binh, ông vẫn hằng ngày nghiên cứu và hoài niệm về những chiến tích xưa như để không quên những ngày tháng cùng đồng đội chiến đấu. Nhìn và ôn lại quá khứ, cũng là cách để trân quý hơn những gì đang có của hiện tại.

Ngày nay trong Quân đội nhân dân Việt Nam, ở cấp tiểu đoàn có biên chế một nhân viên quân khí; cấp trung đoàn có 1 tiểu đội sửa chữa; cấp sư đoàn có 1 đại đội sửa chữa. Việc trang bị kiến thức, kinh nghiệm về chỉ huy bảo đảm kỹ thuật cho cán bộ cấp trung, sư đoàn và tương đương là điều hết sức cần thiết. Vì vậy, người chỉ huy cần phát huy được tối đa khả năng sáng tạo, khuyến khích tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của bộ đội nói chung, của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành kỹ thuật nói riêng trong thời đại khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển như vũ bão. Đây là công việc có ý nghĩa sâu sắc.

Khoa Hậu cần – Kỹ thuật có vinh dự được truyền tải kiến thức, kinh nghiệm về chỉ huy bảo đảm kỹ thuật trong chiến đấu cũng như thường xuyên. Hy vọng rằng trong thời gian tới, các đồng chí sỹ quan đã được học tập tại Học viện Lục quân và tại các học viện, nhà trường trong Quân đội sẽ phát huy được những kiến thức tiếp thu được để lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị mình đạt những kết quả cao nhất, từ đó xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, sáng tạo, tiếp tục phát huy truyền thống của ngành kỹ thuật như Anh hùng Tô Văn Đực./.

Chủ đề