1 người mua quần áo bao nhiêu lần trong năm

Khi mang bộ váy mới về tới nhà, Thùy Linh (29 tuổi, nhân viên văn phòng) nghe tiếng chồng than vãn: "Lại mua quần áo mới. Em bán thanh lý đồ cũ chưa dùng đi rồi hẵng mua tiếp". Đây là bộ đồ thứ ba cô mua trong tháng, trong khi tủ quần áo của hai vợ chồng luôn chật ních.

Thùy Linh nói: "Mỗi tháng, tôi mua từ hai đến ba cái váy, mỗi váy có giá từ 1,2 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng, chưa kể thi thoảng tôi mua vài bộ quần áo với tư duy 'mua chơi vì giá rẻ' trên các web bán hàng online với giá mỗi món khoảng 200.000-300.000 đồng. Ngoài ra, một năm có khoảng hai đợt sale lớn của các hãng nước ngoài, tôi đều order đồ từ nước ngoài về, mỗi lần tốn 3-4 triệu đồng tiền quần áo". Vì thích sắm sửa, Thùy Linh tính nhẩm "sương sương" mỗi tháng cô đã tốn khoảng 30% lương cho quần áo mới.

Với mức chi tiêu này, Thùy Linh tự đánh giá bản thân đang bị "nghiện mua quần áo". Hậu quả của điều này là nhiều lúc vợ chồng cô lục đục. "Mỗi lần trời chuyển mùa, chúng tôi dọn quần áo cất kho đều mất hai ngày và rất mệt mỏi. Tôi cũng cảm thấy mức chi hiện tại của mình cho quần áo quá nhiều, phải đem cho nhiều đồ dù vẫn mới và đã sắm nhiều món đồ không cần thiết, vì chỉ có thể mặc mỗi năm một lần như đồ đi biển, đồ cho sự kiện đặc biệt. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa biết chính xác mình nên dành ngân sách bao nhiêu cho quần áo mỗi tháng là hợp lý", cô nói.

Là người yêu thời trang, Anh Tuấn (28 tuổi, nhiếp ảnh gia) chi khoảng 10% thu nhập mỗi tháng (1-2 triệu đồng) để mua quần áo. "Tôi không phải chi tiền cho việc đi chơi linh tinh, cũng không có người yêu nên tôi nghĩ mình chi số tiền này vào quần áo hợp lý với thu nhập, tinh thần, hoàn cảnh sống của tôi. Khi sắm sửa, tôi thường chọn quần áo có chất liệu tốt, có thương hiệu, tính toán kỹ xem đồ gì hữu dụng cho cuộc sống thường ngày lẫn công việc rồi mới mua. Vài lần, tôi mua sai nhưng nhờ cách mix-match, tôi vẫn sử dụng được chúng, không phải bỏ xó tủ", anh nói.

Mỗi tháng, Tạ Quỳnh Nga (24 tuổi, founder một thương hiệu thời trang) chỉ chi khoảng 5% thu nhập cho quần áo. Phần lớn đồ cô mua là các phụ kiện để mix-match trang phục, đồ ngủ và đồ mặc nhà. "Tôi nghĩ mức chi cho quần áo phụ thuộc vào thu nhập của mỗi cá nhân, yêu cầu của họ về trang phục và mục đích đầu tư hình ảnh cá nhân nếu có. Tôi làm về thời trang nên hình ảnh tôi đang tạo dựng tuyệt đối phải đẹp. Nhưng tôi không mua quá nhiều quần áo, chỉ mua những món đồ thật sự cần thiết. Tôi cũng mix-match quần áo cũ với nhau để biến nó thành những outfit mới mẻ, giúp tiết kiệm một khoản chi phí", cô cho hay.

Làm chủ thương hiệu thời trang, Quỳnh Nga cũng cho rằng mỗi người nên có kế hoạch chi tiêu rõ ràng trong một tháng, để quản lý tài chính tốt hơn. Theo cô, mức 5% thu nhập dành cho quần áo mỗi tháng hợp lý cho mọi người. Còn với những người cần đầu tư hình ảnh cá nhân, cần sự chỉn chu và phong cách, cô nghĩ số tiền nên chi là 10% thu nhập, chi nhiều hơn về chất lượng thay vì số lượng. "Vì một bộ quần áo mắc tiền và chất lượng sẽ mặc được lâu bền, thay vì đồ rẻ tiền nhanh bai, xù khiến bạn tốn thêm một lần tiền để đổi bộ đồ mới", nữ founder nói.

Thói quen mua sắm, sử dụng quần áo nên có

Trên tờ Who What Wear, nhà hoạch định tài chính Mỹ Pete Dunn đã đưa ra gợi ý bạn nên dành ngân sách 5% thu nhập hàng tháng cho việc mua sắm quần áo. Ông lý giải 5% tiền lương dành cho quần áo giúp bạn không vung tay quá trán khi thấy các thương hiệu bán hàng với giá hời. Để tìm ra số tiền chính xác mà bạn sẽ chi cho quần áo mỗi tháng, bạn hãy nhân khoản tiền mà bạn kiếm được mỗi tháng với 0,05. Ví dụ: Nếu khoản tiền bạn kiếm được mỗi tháng là 15 triệu đồng, bạn chỉ nên chi khoảng 750.000 đồng cho quần áo.

Quỳnh Nga, founder của thương hiệu quần áo, cũng đưa ra một vài lời khuyên về thói quen tốt khi sử dụng quần áo. Đó là có thể mix/match quần áo cũ, mix thêm phụ kiện lạ mắt. Những dịp lễ đặc biệt, bạn có thể thuê quần áo thay vì mua mới bởi những trang phục đó chỉ mặc rất ít.

"Tiếp theo, bạn hình dung và sắp xếp khoa học cho tủ quần áo, chọn những tone màu trầm tính, những món đồ có thể dễ mix/match hài hoà với nhau để bất kỳ một món đồ nào cũng có thể sử dụng. Sắp xếp khoa học để tránh lãng quên những món đồ từng mua. Biết tiết chế cảm xúc nhất thời khi thấy những món đồ đẹp mới lên kệ, biết đủ. Lướt nhanh khi bắt gặp các chương trình sale để tránh bị cám dỗ", cô bổ sung.

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng Psecu, Mỹ đã đưa ra nhiều tư vấn về thói quen mua sắm quần áo thông thái. Bạn có thể chọn mua phần lớn quần áo ở các cửa hàng có mức giá thấp và chỉ lựa chọn một số từ thương hiệu cao cấp là cách thông minh để tận dụng tối đa ngân sách quần áo hàng tháng của bạn.

Khi mức lương của bạn tăng, các chi phí tiêu dùng của bạn cũng có thể tăng lên nếu bạn thay xe hơi mới hoặc chọn chuyển đến nơi ở rộng rãi hơn. Dù vậy, bạn vẫn nên duy trì thói quen mua sắm tiết kiệm, chọn đầu tư cho một món quần áo chất lượng mỗi tháng.

Một số mặt hàng quần áo mà bạn có thể sắm ít hơn là:

- Áo phông: Chúng có rất nhiều loại với nhiều mức giá và kiểu dáng khác nhau. Chúng cũng tương đối dễ kiếm, vì vậy nếu chúng bị co hoặc ố vàng, việc tìm một món đồ thay thế sẽ không quá khó khăn hoặc tốn kém.

- Váy và quần: Bạn có thể tìm thấy những món đồ hấp dẫn với giá rẻ. Nếu món đồ đó vừa vặn, nó sẽ trông đẹp như một món đồ đắt tiền.

- Những món đồ hợp thời trang: Đồ trang sức và các mặt hàng khác thay đổi theo xu hướng là những món đồ bạn tiết kiệm. Vì bạn có thể sẽ chỉ mặc những bộ quần áo này khi chúng đang có phong cách, tốt hơn hết là bạn không nên chi tiêu quá nhiều cho chúng.

Những loại quần áo bạn nên mua nhiều:

- Áo khoác: Món này có thể mặc với nhiều món đồ trong tủ của bạn. Đầu tư vào áo khoác chất lượng tốt giúp đảm bảo chúng sẽ chịu được việc sử dụng nhiều.

- Áo len: Áo len chất lượng tốt có thể mặc tới vài năm. Cũng giống áo khoác, áo len có thể phối với nhiều trang phục.

- Áo phao lông vũ: Nếu bạn sống ở một khu vực có mùa đông lạnh giá, một chiếc áo phao không thể thiếu trong tủ quần áo của bạn. Chi thêm tiền cho một chiếc áo phao mùa đông là một ý kiến hay, vì những chiếc áo chất lượng tốt có thể tồn tại qua nhiều mùa.

Đầu tư vào món đồ bạn sẽ mặc thường xuyên trong thực tế

Những gì bạn sẵn sàng trả cho một sản phẩm cụ thể phụ thuộc vào sở thích cá nhân của bạn. Lấy ví dụ là mũ và khăn quàng cổ. Bạn có thể tìm thấy vô số loại khăn quàng cổ rẻ tiền, nhưng một chiếc khăn cashmere chất lượng tốt có thể là một khoản đầu tư thông minh nếu bạn sử dụng nó thường xuyên.

Xây dựng một tủ quần áo để khiến mình trông chuyên nghiệp với ngân sách 5% thu nhập một tháng

Ngoài quy định về trang phục và kỳ vọng về chuyên môn tại nơi làm việc, trang phục phù hợp có thể giúp bạn thêm tự tin khi thuyết trình hoặc khiến bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn khi thực hiện các công việc hàng ngày.

- Tận dụng lợi thế của phiếu giảm giá: Nhiều cửa hàng cung cấp phiếu giảm giá trong suốt cả năm. Những thứ này có thể giúp bạn có được những bộ quần áo cần thiết cho tủ quần áo chuyên nghiệp của mình mà vẫn tiết kiệm. Một số cửa hàng cũng cung cấp các chương trình vơi phần thưởng cụ thể khi bạn mua sắm tại cửa hàng. Những phần thưởng này có thể cộng dồn. Nếu bạn cần nhiều mặt hàng, hãy thử chia nhỏ các chuyến đi mua sắm của mình để tận dụng các phần thưởng hoặc phiếu thưởng có giá trị vào một ngày sau đó.

Ví dụ: Mua vài áo phông, một vài chiếc quần dài và một chiếc váy ngay bây giờ, để tích lũy phần thưởng hoặc phiếu thưởng của bạn. Sau khi bạn nhận được phần thưởng của mình, hãy sử dụng chúng để mua một số mặt hàng khác trong danh sách của bạn.

- Mua quần áo cũ: Khi bạn muốn thêm những món đồ độc đáo, được may đẹp vào tủ quần áo chuyên nghiệp của mình, bạn có thể mua đồ cũ. Quần áo hàng hiệu và cổ điển cũ sẽ có giá cả phải chăng hơn đồ mới. Hơn nữa, mua quần áo secondhand là một lựa chọn bền vững, giúp giảm thiểu quần áo bị thải bỏ ra ngoài môi trường.

Chủ đề